3 môn học bắt buộc
Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT (quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp), khối lượng kiến thức văn hóa THPT được giảng dạy cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trình độ trung cấp, học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhằm giúp học sinh phát triển tốt nhất năng lực nghề nghiệp và những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động phù hợp với ngành, nghề đào tạo.
Sau khi học sinh đã học và thi đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Về yêu cầu và điều kiện tổ chức giảng dạy, Thông tư quy định, việc tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm thực hiện đầy đủ yêu cầu về khối lượng kiến thức của môn học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi kết thúc môn học. Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có đủ giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với khối lượng kiến thức của các môn học để tổ chức giảng dạy các môn học theo ngành, nghề đào tạo.
Theo Thông tư, học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử; các môn học lựa chọn, gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí. Thời lượng giảng dạy của các môn học như sau: Toán, Ngữ văn: 252 tiết/môn học; Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử: 168 tiết/môn học.
Mỗi ngành, nghề đào tạo phải học các môn học bắt buộc và ít nhất 1 môn học lựa chọn. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định lựa chọn các môn học bảo đảm phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học đối với từng môn học, mỗi lớp học có không quá 45 người học.
Mỗi môn học được giảng dạy trong 3 kì. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định việc phân chia các kì và xây dựng kế hoạch giảng dạy bảo đảm thực hiện đầy đủ khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng giảng dạy của môn học.
Hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu: Học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Hình thức đánh giá
Về hình thức đánh giá, Thông tư quy định, kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10. Điểm đánh giá là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.
Đánh giá thường xuyên, đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Đối với một môn học, số điểm đánh giá thường xuyên (ĐĐGTX) trong mỗi kì như sau: Môn học có thời lượng giảng dạy từ 168 tiết: 1 ĐĐGTX. Môn học có thời lượng giảng dạy 252 tiết: 2 ĐĐGTX.
Đánh giá định kì được thực hiện thông qua bài kiểm tra đánh giá bằng điểm số. Thời gian làm bài kiểm tra đối với môn học 168 tiết từ 45 phút đến 60 phút; đối với môn học 252 tiết từ 60 phút đến 90 phút. Đề kiểm tra bảo đảm độ tin cậy, có đáp án, tiêu chí chấm, thang điểm chi tiết, đáp ứng yêu cầu cần đạt của nội dung kiểm tra, đánh giá. Trong mỗi kì, mỗi môn học có 01 (một) điểm đánh giá định kì.
Học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá đủ số lần theo quy định nếu có lí do bất khả kháng thì được kiểm tra, đánh giá bù với yêu cầu cần đạt tương đương với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu. Việc kiểm tra, đánh giá bù được thực hiện theo từng kì. Trường hợp học sinh không tham gia kiểm tra, đánh giá bù theo quy định tại khoản 4 Điều này thì nhận 0 (không) điểm đối với lần kiểm tra, đánh giá còn thiếu.