Học tập pháp luật phải là công việc hàng ngày của mỗi người

(PLO) - Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên của thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm được giao. Tuy nhiên, cần khắc phục một số tồn tại, hạn chế để PBGDPL sẽ là tiền đề chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thi hành pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật thời gian tới.
Bộ trưởng Lê Thành Long và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu tại cuộc họp.

Đổi mới cả nội dung và hình thức PBGDPL

Thực hiện trách nhiệm được giao, Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PBGDPL; tuyên truyền, PBGDPL trên các lĩnh vực quản lý với nhiều nhóm nhiệm vụ chủ yếu từ hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đến triển khai các giải pháp đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực…

Trong đó, về triển khai các giải pháp đổi mới công tác PBGDPL, đã đổi mới nội dung PBGDPL, sát nhu cầu xã hội. Ngoài tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, đã quan tâm hơn đến tuyên truyền, phổ biến qua các vụ việc, tình huống, sự kiện pháp lý cụ thể, gắn với quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, với các vấn đề nổi cộm trong cuộc sống thu hút sự quan tâm của dư luận hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Nhờ vậy, pháp luật gần gũi hơn với cuộc sống, thực sự là công việc hàng ngày của mỗi người.

Hình thức PBGDPL được đa dạng hóa, sát với nội dung, đối tượng, địa bàn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong quán triệt, phổ biến luật, pháp lệnh, văn bản mới. Nhiều hình thức mới được áp dụng mang lại hiệu quả tích cực, rất thiết thực, có sức lan tỏa lớn. Việc ứng dụng mạng xã hội như facebook, youtube… bước đầu được thực hiện tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo cán bộ, nhân dân.

Công tác PBGDPL trong nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chú trọng hơn; gắn với triển khai nội dung chương trình dạy và học pháp luật trong nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” đến năm 2021; kết hợp giữa dạy và học môn học đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật đại cương với các hoạt động PBGDPL ngoại khóa ngoài giờ lên lớp.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều hoạt động phối hợp để tăng cường công tác PBGDPL trong nhà trường, điểm nhấn là tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2016 và năm 2017 tại 21 địa phương thu hút gần 300 nghìn lượt học sinh tham gia…

Tiền đề cho công tác tổ chức thi hành pháp luật

Bên cạnh các nội dung trên, tại cuộc họp diễn ra chiều 13/3, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã báo cáo với Bộ trưởng Lê Thành Long và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Đáng chú ý, vừa qua Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới, nâng cao  hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022 (Quyết định số 242/QĐ-TTg). Với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mới sẽ được triển khai cùng các giải pháp quan trọng đã và đang được triển khai trong công tác tuyên truyền, PBGDPL sẽ tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thi hành pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ PBGDPL Đỗ Xuân Lân cập nhật một số thông tin liên quan đến công tác PBGDPL như phát hành Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, duy trì hệ cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia (hiện cập nhật được hơn 96 nghìn văn bản của Trung ương và địa phương, truy cập 50 nghìn lượt/ngày); phát triển phong phú, đa dạng mô hình tủ sách pháp luật.

Đặc biệt, trong công tác này đã xuất hiện nhiều mô hình tốt như Ngày hội Pháp luật tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai; Ngày hội An toàn giao thông quốc gia, tuyên truyền pháp luật về giao thông qua loa tại các ngã tư; mô hình đối thoại pháp luật của các bộ, ngành; thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; quán cà phê pháp luật tại Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, mô hình sinh hoạt Tuần lễ công dân, mô hình Cảnh sát biển đồng hành cùng người dân…

Phát biểu tại cuộc họp, Lãnh đạo Bộ yêu cầu bổ sung một số nội dung liên quan đến công tác PBGDPL như địa phương nào làm tốt, chưa tốt công tác PBGDPL, quan tâm đầu tư kinh phí hay chưa, thậm chí tuy có thể kinh phí ít nhưng công tác này vẫn đạt hiệu quả; giải pháp triển khai cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến… Đối với công tác thi hành pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị lưu ý cả việc thực thi pháp luật về bồi thường nhà nước, thi hành án dân sự hay một số việc cụ thể của hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Đọc thêm