Học trực tuyến kéo dài, làm thế nào để đảm bảo chất lượng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế, mà có thể kéo dài cả học kỳ. Vấn đề cần quan tâm ở đây là các bài giảng trực tuyến sẽ được xây dựng ra sao để đạt hiệu quả cao nhất…
Học và thi trực tuyến sẽ rèn khả năng tự học và tính trung thực của học sinh? (Ảnh minh họa)
Học và thi trực tuyến sẽ rèn khả năng tự học và tính trung thực của học sinh? (Ảnh minh họa)

Học sinh tự học nhiều hơn

Tại tọa đàm trực tuyến “Năm học mới trong đại dịch” mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu….

Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu.

Theo đó, các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho học sinh tự học nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài học sinh qua zalo, thư điện tử, nhắn tin. Như thế, khi học sinh vào học trực tuyến phải có sự chuẩn bị bài từ trước, giờ học trực tuyến chỉ còn là trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn đang vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online.

Trong trường hợp không có internet, có thể phát các tài tiệu trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em tiếp cận các học liệu này. Ngành Giáo dục kêu gọi các bậc cha mẹ học sinh tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ học sinh để các em đảm bảo được yêu cầu trong học tập trong bối cảnh hết sức khó khăn này.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, năm học 2021-2022, học sinh lớp 2, lớp 6 sẽ được học chương trình - sách giáo khoa mới với những thay đổi về nội dung, phương pháp dạy học. Khi thực hiện chương trình mới, có những khó khăn nhất định do thầy cô, học sinh có một số điều còn bỡ ngỡ. Các thầy cô phải hướng dẫn học sinh tự học cao hơn, thiết kế bài dạy kỹ lưỡng hơn. Dạy trực tiếp đã vất vả, giờ lại chuyển đổi, chuyển sang trao đổi trực tuyến thầy cô sẽ khó khăn hơn và phải trao đổi nhiều hơn.

Kiểm tra, thi trực tuyến phải đảm bảo minh bạch

Trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Bộ GD&ĐT cho phép người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Cùng với đó, trong Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT mới ban hành gần đây để áp dụng cho chương trình mới, có 4 bài kiểm tra định kỳ trong năm, trong đó hai bài cho một học kỳ là bài giữa kỳ và cuối kỳ. Hình thức kiểm tra có thể là trên giấy hoặc máy tính. Với bài kiểm tra trên máy tính, nhà trường xây dựng ma trận đề thi đề ra đảm bảo đề thi khách quan, minh bạch, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.

“Trong trường hợp nếu có kết quả bất thường, nếu học bình thường nhưng kết quả thi rất cao hoặc học tốt nhưng kết quả thấp do đường truyền kém, có vấn đề về kỹ thuật thì nhà trường có thể kiểm tra đánh giá lại. Việc kiểm tra đánh giá trực tuyến, tôi cho khá là minh bạch”, ông Thành nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể thực hiện qua bài thực hành hoặc dự án học tập, khi đó học sinh có thể thực hiện tại nhà. Nhưng điều quan trọng nhất là báo cáo và trình bày báo cáo của học sinh cùng hỏi đáp của thầy cô, qua đó có thể đánh giá được chất lượng học tập của các em. Tuỳ theo đặc thù của môn học, các nhà trường có thể áp dụng các hình thức như vậy để vừa phù hợp với môn học, vừa phù hợp với tinh thần dạy học trực tuyến. Điều quan trọng ở đây không phải học sinh được bao nhiêu điểm, mà là qua đây thúc đẩy được việc dạy học và giúp học sinh tiến bộ cả về năng lực và phẩm chất, đặc biệt là phẩm chất trung thực.

Ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: “Bố mẹ phải làm sao nhìn thấy tương lai của con. Còn nếu không trung thực trong kiểm tra đánh giá thì vô hình trung lợi bất cập hại. Chúng tôi rất muốn nhắn nhủ các bậc cha mẹ học sinh về điều này”…

Với việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp vẫn thực hiện theo quy định chung của Bộ. Tinh thần là từng bước đổi mới đề thi sao cho đề thi đó không phải là đề thi kiểm tra kiến thức mà là đề thi đánh giá phẩm chất, năng lực của người học. Cụ thể, theo ông Thành, nếu kiểm tra kiến thức thì chỉ sử dụng kiến thức đó làm bài tập, còn đánh giá năng lực là sử dụng kiến thức đó để giải quyết những vấn đề đó trong thực tiễn, như thế mới đúng mục tiêu đề ra…

Dạy học trực tuyến phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện các đài truyền hình, kênh truyền hình trung ương… để bàn giải pháp đẩy mạnh dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, Bộ GD&ĐT phải đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, trong đó có giáo dục trực tuyến.

“Việc áp dụng phương thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, không làm gia tăng bất bình đẳng trong học tập, đặc biệt trong thi cử, nhất là các kỳ thi chuyển cấp, nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh cũng như toàn xã hội yên tâm. Đối với những nơi không thể học trực tuyến, học qua truyền hình do có dịch Covid-19, ngành Giáo dục tiếp tục áp dụng các biện pháp như chuyển gửi tài liệu học tập, bài kiểm tra…”.

Đọc thêm