Học trực tuyến, linh hoạt ứng phó COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong 2 ngày (12, 13/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.
Mục tiêu năm học mới phải linh hoạt để ứng phó dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)
Mục tiêu năm học mới phải linh hoạt để ứng phó dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)

Mỗi địa phương được chọn 1-5 bộ sách giáo khoa

Hội nghị có 1 điểm cầu tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 63 điểm cầu Sở GD&ĐT, hơn 700 điểm cầu Phòng GD&ĐT và khoảng 2.000 điểm cầu trường THPT. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị.

Năm nay, cấp THCS lần đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) đối với lớp 6. Do đó, nhiệm vụ quan trọng được đề ra là triển khai hiệu quả chương trình này và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tiếp CT GDPT 2018 đối với lớp 7, lớp 10 cho năm học tiếp theo.

Từ các sách giáo khoa (SGK) lớp 6 biên soạn theo CT GDPT 2018 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức lựa chọn sách theo quy định của Thông tư số 25. Tại mỗi tỉnh/thành phố, mỗi môn học/hoạt động giáo dục được chọn từ 01 đến 05 bộ sách trong đó tỉ lệ chọn 01 bộ/môn học khoảng 50%; 02 bộ/môn học khoảng 30%.

Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục trung học năm 2020-2021 còn một một số hạn chế, như: chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữ các vùng, miền; còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số vùng...

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá còn hạn chế ở một số nơi do hạ tầng và trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ. Việc lựa chọn SGK và đăng ký mua SGK tại một số địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến công tác in ấn, phát hành sách tới tay học sinh.

Với cấp THCS, năm học 2021 - 2022 được xác định vẫn sẽ diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên giáo dục trung học đề ra cho năm học mới là thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm trường học an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học phải linh hoạt, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến khó lường, bất thường của thiên tai, dịch bệnh.

Một số nơi quá tải học sinh tiểu học

Năm học 2020-2021 là năm đặc biệt với ngành Giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng, khi lần đầu tiên cả nước thực hiện CT GDPT mới (CT GDPT 2018) đối với lớp 1. Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến học sinh chỉ có thể trở lại trường học chính thức sau ngày khai giảng 5/9; học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nền nếp, môi trường học tập như các năm học trước.

Trước đó, suốt nhiều tháng từ học kỳ II năm học 2019 - 2020, không ít địa phương vì ảnh hưởng của dịch đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường; thầy trò từng bước làm quen và chuyển dần sang dạy học trực tuyến.

Cả nước có tổng số 8.736.033 học sinh tiểu học, tăng 152.301 em so với năm học trước. Tổng số lớp là 280.274 (tăng 4.325 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31,27. Riêng một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao hơn mức quy định trong Điều lệ trường tiểu học (35 HS/lớp).

Ghi nhận từ các địa phương, học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình 2006: mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.

Năm học 2020 - 2021, các cơ sở giáo dục tiểu học cũng tích cực đổi mới, đa dạng hoá hình thức dạy học như dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình… nhằm khắc phục tác động của dịch COVID-19 và tạo điều kiện cho học sinh học tập mọi lúc, mọi nơi, hoàn thành chương trình đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Tuy nhiên, năm học vừa qua cũng ghi nhận một số tồn tại, hạn chế của giáo dục tiểu học. Trong đó, việc biên soạn SGK theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện.

Năm học này, cấp tiểu học sẽ tiếp tục triển khai đảm bảo chất lượng CT GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả CT GDPT 2006 từ lớp 3 đến lớp 5. Một trong những nhiệm vụ mới là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19 đối với cấp tiểu học.

Một số địa phương thông báo tựu trường sớm

Đến nay, Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Sơn La, Bình Dương… là những địa phương đầu tiên thông báo thời gian cho học sinh tựu trường năm học 2021 - 2022. Ngoài Sơn La thông báo học sinh THPT và giáo dục thường xuyên tựu trường từ 16/8, hầu hết các địa phương cho học sinh tựu trường vào ngày 1/9, riêng học sinh lớp 1 tựu trường vào ngày 23/8 để làm quen môi trường mới.

Khai giảng năm học sẽ thực hiện đồng loạt vào ngày 5/9. Kết thúc học kỳ I trước ngày 16/1/2022, học kỳ II trước ngày 25/5/2022; hoàn thành năm học trước ngày 31/5/2022. Các trường học xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6/2022.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, Bộ ban hành khung thời gian năm học áp dụng chung trên toàn quốc. Căn cứ vào khung này, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quy định cụ thể kế hoạch thời gian năm học tại địa phương, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không vượt quá 15 ngày so với khung chung của Bộ. Nếu việc kéo dài năm học muộn hơn 15 ngày mà vẫn không phù hợp với tình hình thực tiễn thì các Sở GD&ĐT báo cáo Bộ GD&ĐT để đưa ra giải pháp.

Đọc thêm