Học trực tuyến tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là một trong những tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo mà Đảng đoàn Quốc hội nêu tại Báo cáo chuyên đề gửi các đại biểu Quốc hội.
Trẻ học online. (Ảnh minh họa)
Trẻ học online. (Ảnh minh họa)

Báo cáo về một số tác động của dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin, truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo và đối tượng thanh niên và trẻ em do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Nguyễn Đắc Vinh ký cho biết: Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành Giáo dục cũng như lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin, truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo, đến công tác thanh niên, trẻ em.

Riêng lĩnh vực giáo dục, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên, trẻ em, học sinh bị nhiễm COVID-19. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch. Công tác dạy và học, phát triển đội ngũ, tài chính và bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh bị tác động lớn.

Đáng chú ý, Báo cáo thẳng thắn đánh giá, việc triển khai học tập trực tuyến do đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến chất lượng học tập của học sinh. Mặc dù nhiều học sinh đã khá thích ứng với việc học qua truyền hình, internet, nhưng hình thức trực tuyến chủ yếu phù hợp với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi.

Đối với học sinh cấp tiểu học (nhất là lớp 1) và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả.

Phương thức dạy học qua truyền hình phù hợp hơn với học sinh cấp tiểu học, chi phí thấp, không gây áp lực cho gia đình học sinh nhưng hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Ở nhiều địa phương, việc dạy và học trên truyền hình, qua internet chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, dịch bệnh đã tác động đến tâm lý đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh. Với giáo viên, nhất là với giáo viên lớn tuổi, việc chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang các hình thức khác cũng gây tâm lý băn khoăn, lúng túng trong thực hiện.

Với trẻ em, lứa tuổi mầm non, mẫu giáo và lớp 1 phải ở nhà thời gian dài ảnh hưởng đến nề nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi; ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, sức khỏe và kỹ năng giao tiếp với thế giới xung quanh.

Ý thức học tập của một bộ phận học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông bị ảnh hưởng do tính tự giác chưa cao. Một bộ phận học sinh rất lo lắng cho việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học.

Về phía phụ huynh, hầu hết cha mẹ học sinh sẵn sàng, tích cực phối hợp với nhà trường, tham gia các buổi hướng dẫn trực tuyến, thực hành cùng con; tham gia đóng góp công sức và kinh phí để khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp… phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức hoạt động giáo dục ở nhà chưa được các cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện.

Để khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, Đảng đoàn Quốc hội đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ xem xét bổ sung nội dung hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dùng trong học trực tuyến đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục, sinh viên, học sinh để các em được đến trường sớm nhất có thể.

Nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các mô hình, phương thức dạy học ứng phó với đại dịch COVID-19 để có định hướng phát triển phương thức dạy học trực tuyến trong những năm tới, từng bước đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng 4.0.

Đồng thời, xây dựng sớm phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình thực tiễn bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả...

41% báo cáo từ địa phương cho thấy cha mẹ học sinh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh khi học trực tuyến. Nhiều gia đình không có điều kiện để mua các thiết bị phục vụ cho học trực tuyến; nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc tổ chức quản lý, giám sát, chăm sóc, hướng dẫn con em mình học tập…

Đọc thêm