Hiện nhiều địa phương trong cả nước đã thành lập Ban hòa giải hoặc Hội đồng hòa giải, góp phần đáng kể hóa giải các tranh chấp trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là các tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, mô hình này lại chưa được pháp luật về hòa giải thừa nhận…
|
Ảnh minh họa |
Pháp lệnh… “vênh” Luật
Hiện nay, hai văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong lĩnh vực hòa giải là Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Pháp lệnh về hòa giải.
Theo Bộ Tư pháp, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh và Nghị định về hòa giải ở cơ sở, đến nay cả nước đã xây dựng, củng cố và kiện toàn được 120.462 Tổ hòa giải với tổng số 623.157 tổ viên. So với trước khi có Pháp lệnh về hòa giải, số lượng Tổ hòa giải và hòa giải viên đã tăng khoảng 1,5 lần. Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 10 năm, tổng số vụ việc nhận hòa giải là 3.899.745 vụ, đã hòa giải thành 3.131.575 vụ đạt tỷ lệ 80,3 %.
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay, cũng theo Bộ Tư pháp là sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Một số luật, pháp lệnh chuyên ngành cũng có các quy định liên quan đến hòa giải ở cơ sở, mà điển hình là Luật Đất đai nhưng có nhiều quy định lại “vênh” nhau. Trong khi đó, đến nay đã có khoảng gần 30 địa phương đã thành lập Tổ hòa giải ở 2 cấp: Tổ hòa giải ở thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố…và Ban hòa giải (hoặc Hội đồng hòa giải) ở cấp xã trong khi Pháp lệnh Hòa giải lại chỉ điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong áp dụng pháp luật về hòa giải.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng nhận định: một số quy định trong Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể, đặc biệt chưa nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể (Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân…), cũng như vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở…
Thống nhất mô hình
Như đã nói, trên cả nước đang tồn tại nhiều mô hình hòa giải khác nhau, nhất là từ sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực. Các Ban Hòa giải hoặc Hội đồng Hòa giải được thành lập ở xã, phường, thị trấn giải quyết những vụ việc mà Tổ hòa giải hòa giải không thành hoặc đối với những vụ việc phức tạp.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, thực tế cho thấy, mô hình Ban Hòa giải cấp xã đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc giải quyết những vụ việc phức tạp, liên quan nhiều đến pháp luật, đặc biệt là các tranh chấp trong lĩnh vực đất đai hoặc tranh chấp trong sinh hoạt cộng đồng.
Tuy nhiên, hoạt động của Ban Hòa giải (Hội đồng Hòa giải) cấp xã lại chưa được pháp luật điều chỉnh một cách cụ thể, thống nhất. Chính vì vậy, trong Luật Hòa giải ở cơ sở được xây dựng tới đây cần xem xét quy định mối quan hệ giữa mô hình Tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố, cụm dân cư với mô hình Ban Hòa giải (Hội đồng Hòa giải) cấp xã, theo hướng quy định thống nhất mô hình tổ chức thực hiện hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, Dự luật cũng cần quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác hòa giải ở cơ sở như trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội khác, cơ quan, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức thực hiện hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, cũng quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp của Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp các cấp trong quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở.
Về người thực hiện hòa giải ở cơ sở, Dự án Luật hòa giải cơ sở quy định rõ tiêu chuẩn tổ viên Tổ hòa giải, quyền và nghĩa vụ của tổ viên Tổ hòa giải, tổ trưởng Tổ hòa giải, những hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ viên Tổ hòa giải, bầu, miễn nhiệm tổ viên Tổ hòa giải, người được mời tham gia hòa giải, các trường hợp tổ viên Tổ hòa giải không được tham gia hòa giải, chế độ đối với người thực hiện hòa giải ở cơ sở. |
Hương Bằng