Hội đồng nhân dân các cấp: Cần theo đuổi đến cùng các kiến nghị giám sát

(PLVN) -  Để nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để đánh giá việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát; theo đuổi đến cùng những kiến nghị được đưa ra sau quá trình giám sát...
Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội tổ chức buổi làm việc, giám sát kết quả thực hiện Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, huyện Hoài Đức.
Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội tổ chức buổi làm việc, giám sát kết quả thực hiện Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, huyện Hoài Đức.

Đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn

Hoạt động giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, quan trọng của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, được quy định cụ thể tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) và HĐND năm 2015. Qua tổng kết, đánh giá thời gian qua cho thấy, nhìn chung, hoạt động giám sát của HĐND các cấp tại các địa phương đã được tăng cường; thực hiện bài bản, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Những kết quả của hoạt động giám sát đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, đồng thời đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đảm bảo cho hoạt động quản lý Nhà nước các cấp ngày càng được công khai, minh bạch và hiệu quả.

Theo báo cáo của Thường trực HĐND TP Hà Nội, hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND TP từ đầu nhiệm kỳ bảo đảm đúng luật và tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, được triển khai linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế. Thường trực HĐND đã có những chỉ đạo, điều hòa các chương trình, nội dung giám sát theo hướng chất lượng, hiệu quả, gắn với thực tiễn; giảm thành phần đoàn giám sát, số lượng đầu mối giám sát trực tiếp nhưng tăng cường giám sát thực địa…

Trong đó, HĐND TP đã tổ chức 3 Đoàn giám sát chuyên đề bao gồm giám sát về việc chấp hành pháp luật trong công tác bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai; giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11 của HĐND TP về Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cùng với đó, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổ chức 3 Đoàn giám sát, trong đó giám sát tình hình thực hiện một số Nghị quyết do HĐND, Thường trực HĐND TP ban hành và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; và giám sát công tác giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Các Ban HĐND TP Hà Nội đã triển khai 12 cuộc giám sát, khảo sát các nội dung trước Tết Nguyên đán; công tác phòng chống dịch COVID-19… Đây đều là những vấn đề thời sự, được dư luận quan tâm, qua đó cho thấy việc giám sát đã được thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn.

Công tác chuẩn bị phục vụ giám sát được thực hiện kỹ càng, nghiêm túc. Các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát được công bố công khai. Quá trình theo dõi việc giải quyết các kết luận giám sát, tái giám sát tiếp tục được chú trọng, được phân công, giao theo từng lĩnh vực tới lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu QH và HĐND TP chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Tại tỉnh Phú Thọ, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Dương Hoàng Hương, thông qua hoạt động giám sát, những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở một số lĩnh vực đã được các đoàn giám sát phát hiện, kiến nghị kịp thời với UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị để xem xét và tập trung giải quyết, góp phần thực hiện hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Ví dụ, sau cuộc giám sát công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát tổng thể các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn, từ đó làm cơ sở quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới đào tạo nghề, đảm bảo hoạt động hiệu quả, tránh chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh hoặc phối hợp không chặt chẽ, ảnh hưởng đến chất lượng và mục tiêu đề ra.

Tăng cường vai trò phối hợp giữa các chủ thể giám sát

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát của HĐND các địa phương cũng gặp một số tồn tại, hạn chế. Ông Nguyễn Thanh Hiền - nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Nghệ An - chỉ ra một số vấn đề như việc phối kết hợp giữa các cơ quan để lựa chọn các chuyên đề giám sát, khảo sát vẫn còn thiếu chặt chẽ.

Cách thức triển khai các hoạt động giám sát cũng như thời gian làm việc ngắn dẫn đến tình trạng kết quả một số cuộc giám sát chưa sâu, chưa có cách nhìn nhiều chiều về lĩnh vực giám sát mà còn lệ thuộc vào báo cáo của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Bên cạnh đó, việc xử lý các kiến nghị của Đoàn giám sát vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chủ thể các cuộc giám sát còn chưa kiên quyết theo đuổi đến cùng những vấn đề của hậu giám sát…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong thời gian tới, các ý kiến cho rằng cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung như lựa chọn nội dung giám sát; quan tâm bồi dưỡng, củng cố kỹ năng và kinh nghiệm giám sát của đại biểu…

Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, để từng bước nâng cao hiệu quả các cuộc giám sát chuyên đề nói riêng, hoạt động giám sát nói chung của cơ quan dân cử, cần tăng cường vai trò phối hợp giữa các chủ thể giám sát và giữa các chủ thể giám sát với đối tượng chịu sự giám sát.

Cùng với đó, cơ quan dân cử cần phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội giúp cơ quan dân cử có thêm thông tin trong quá trình giám sát, nhất là trước khi đưa ra quyết định, bảo đảm các kết luận giám sát, các nghị quyết sẽ ban hành phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn cuộc sống của nhân dân; quan tâm đến các ý kiến tham vấn của cử tri, của cộng đồng xã hội trong hoạt động giám sát; xây dựng cơ chế để giám sát, theo đuổi vấn đề đến cùng các kiến nghị giám sát nhằm đảm bảo quyền lực, uy tín của cơ quan dân cử…

Nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống cơ quan dân cử địa phương

Sáng nay (21/2), Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch QH sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết công tác HĐND năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của các tỉnh, TP khu vực phía Bắc (gồm 25 tỉnh, TP).

Sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ tổ chức 2 Hội nghị tiếp theo trong tháng 03/2022 đối với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tại khu vực miền Trung (TP Đà Nẵng vào 7/3/2022) và khu vực miền Nam (TP Hồ Chí Minh vào 21/3/2022). Việc tổ chức Hội nghị nhằm tổng kết công tác HĐND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương năm 2021, triển khai nhiệm vụ và đưa ra các giải pháp hoạt động của HĐND năm 2022; đồng thời, tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ QH đối với hoạt động của HĐND. Hội nghị sẽ tập trung đánh giá ưu điểm, hạn chế quá trình hoạt động của HĐND năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Đọc thêm