Hồi hộp chờ đường đi bộ lát sàn gỗ lim 64 tỉ đồng bên bờ sông Hương

(PLO) - Đường đi bộ lát sàn gỗ lim ở bờ Nam sông Hương TP Huế với tổng kinh phí 64 tỉ đồng vừa mới hoàn thành đã thu hút sự quan tâm của nhiều người với nhiều ý kiến trái chiều. 
Các bạn trẻ hào hứng chụp ảnh tại con đường đi bộ trên sông Hương.
Các bạn trẻ hào hứng chụp ảnh tại con đường đi bộ trên sông Hương.

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, đại diện đơn vị thi công là ông Văn Viết Thành (Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế) hy vọng, con đường 64 tỉ đồng này sẽ tạo điểm nhấn, nét đặc sắc, điểm sinh hoạt cộng đồng lý thú của người dân Cố đô Huế cũng như du khách gần xa.

Xin ông cho biết đôi nét về con đường đi bộ độc đáo này?

- Đây là con đường được khởi công từ đầu tháng 2/2018 với chủ đầu tư là UBND TP Huế. Tổng kinh phí của Dự án là 64 tỉ đồng, trong đó phần kinh phí cho gỗ lim lót đường là 5,14 tỉ đồng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) và không có bất cứ điều kiện nào kèm theo.

Con đường có chiều dài 380m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và khu vực Công viên Lý Tự Trọng. Chiều dài tuyến đường 380m, rộng 4m đến 6m với diện tích mặt sàn 2.443 m2 được lát bằng gỗ lim dày 5cm nhập khẩu từ Nam Phi.

Đây được coi là đường đi bộ bằng gỗ trị giá nhất Việt Nam, vậy có nhiều đơn vị tham gia đấu thầu không?

- Tổng cộng có 17 đơn vị tham gia đấu, trong đó có 2 đơn vị từ nước bạn Hàn Quốc, 12 đơn vị từ tỉnh khác tham gia. Phía chúng tôi có giá đấu thầu thấp lại chứng minh được năng lực hồ sơ phù hợp nên được chọn.

Thưa ông, vì sao lại chọn gỗ lim để lót sàn?

- Trong quá trình thiết kế Dự án, các chuyên gia, tư vấn Hàn Quốc và Việt Nam đã nghiên cứu kỹ nhiều phương án để lát sàn như dùng đá granit, gỗ tổng hợp sản xuất tại Việt Nam rồi gỗ tổng hợp sản xuất tại Hàn Quốc và gỗ lim. Qua đó, tư vấn xem xét, đánh giá kỹ về các yếu tố như thân thiện môi trường, cảnh quan, ít biến dạng, bền vững với thời gian, màu sắc hài hòa, góp phần tạo nét đặc trưng, kinh phí đầu tư… Sau nhiều nghiên cứu đã chọn gỗ lim được nhập từ Nam Phi sẽ không ảnh hưởng đến chủ trương bảo vệ rừng của Chính phủ Việt Nam.

Nhiều ý kiến lo ngại về việc gỗ lim liệu có thật sự đảm bảo, khi ở Huế thường xuyên có “nắng nóng, mưa nhiều”, nhất là có thông tin một số tấm gỗ lim lát sàn của công trình bị nứt nẻ, ông giải thích vấn đề này ra sao?

- Chúng tôi biết rằng vật liệu gỗ là bất tiện đối với khí hậu của Huế, nhưng đây là ý kiến bắt buộc, phải làm đường bằng gỗ theo yêu cầu của nhà tài trợ KOICA. 

Trong quy trình thi công đơn vị cũng đã dự phòng vấn đề này, nên phôi gỗ dài hơn thành phẩm 20 phân để quá trình lắp đặt sẽ cắt bỏ phần phía 2 đầu phôi đã bị nứt nẻ. Những nứt dọc trên thanh gỗ đơn vị đều đánh dấu rồi tháo dỡ ra thay thế các thanh khác vào.

Các tấm gỗ đó có bó cơ xoắn trên một mặt phẳng không đồng đều, khi bỏ ngoài trời trong thời tiết nắng nóng bị rạn theo thớ gỗ là điều bình thường. Hiện tượng “rạn chân chim” của một số tấm gỗ lát chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, không có vấn đề về sự chịu lực của công trình. 

Đại diện đơn vị thi công là ông Văn Viết Thành (Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên- Huế).
Đại diện đơn vị thi công là ông Văn Viết Thành (Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên- Huế).

Gỗ nứt như vậy liệu có dẫn đến thiếu hụt gỗ hay phát sinh chi phí?

- Trong tổng số 16 nghìn thanh gỗ lim được lắp ráp, tỷ lệ cho phép được loại bỏ, thay thế là 5%, bằng 800 thanh. Ngoài ra, khi nhập gỗ về thì chúng tôi cũng đã tính toán dự liệu trước lượng hao hụt trong quá trình gia công đó nên vấn đề này không tăng chi phí, đồng thời không ảnh hưởng tới tiên lượng vật tư mà nhà thầu đã tính toán vì đã nằm trong quy định của Nhà nước.

Thưa ông, công trình có được bảo hành bao lâu?

- Bảo hành 30 tháng nếu xuất gỗ bị nứt dọc thanh, những thanh gỗ đó phải được loại bỏ và vấn đề này thuộc về trách nhiệm của nhà thầu. Trời nắng to gỗ dễ bị nứt còn mưa lụt thì ít lo ngại hơn.

Ở Huế, sông Hương là biểu tượng, đồng thời mang tính tâm linh. Nhiều nhà văn hóa, người dân không đồng tình có con đường đi bộ này vì làm dự án sẽ đóng rất nhiều cọc xuống sông, mất vẻ hoang sơ lại động đến vấn đề tâm linh ở đây?

- Đúng là có nhiều ý kiến này thật nhưng Ban Quản lý KOICA phối hợp Bảo tàng Văn hóa Huế đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với phương án thiết kế Dự án trên từ ngày 4/7/2016 đến ngày 25/7/2017. Đa phần dân đồng ý. Chúng tôi chỉ là đơn vị thi công làm theo yêu cầu của chủ đầu tư cũng như đơn vị tài trợ, có sợ cũng chấp nhận.

Nhiều ý kiến còn cho rằng 64 tỉ đồng sẽ xây được trường học, giúp người nghèo chứ làm đường đi bộ thì phí. Đó là những quan niệm sai, vì đường này Hàn Quốc tài trợ 100%, theo mục đích của họ.

Nhà tài trợ có thường xuyên giám sát, đôn đốc không?

- Phía KOICA có thành lập Ban Quản lý Dự án, hàng tháng đều đi kiểm tra. Ngày 10/10/2018, họ qua và đã nghiệm thu đợt cuối cùng. Phía bạn đánh giá chất lượng công trình tốt, đặc biệt đánh giá cao các thợ thủ công ở Việt Nam có tay nghề cao, tinh xảo hơn cả mong đợi.

Xin ông cho biết khi nào đường này sẽ chính thức khánh thành để du khách tham quan đi lại?

- Chúng tôi đã hoàn thành Dự án. Vừa qua, có mở cửa cho người dân vào tham quan, đi lại nhưng vì an ninh trật tự, môi trường nên từ ngày 21/10 chúng tôi tạm dừng. Dự kiến vào ngày 1/11, phía đơn vị tài trợ KOICA sẽ bàn giao công trình cho địa phương quản lý. Tỉnh, TP  Huế sẽ thành lập bộ máy, công tác vận hành rồi chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động vào giữa tháng 11.

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng vẫn hi vọng con đường 64 tỉ đồng này sẽ tạo điểm nhấn, nét đặc sắc, điểm sinh hoạt cộng đồng lý thú của người dân Cố đô Huế cũng như du khách gần xa.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm