|
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội dự và phát biểu khai mạc hội nghị. |
Đề cập về tình hình nghiên cứu văn hoá pháp luật, diễn giả chính GS.TS Lê Minh Tâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, việc tìm hiểu về văn hoá pháp luật là khách quan và cần thiết. Lựa chọn cách tiếp cận từ giá trị và cấu trúc, GS.TS Lê Minh Tâm đưa ra định nghĩa, bản chất, cấu trúc, vai trò, chức năng và những mối quan hệ cơ bản của văn hoá pháp luật.
|
GS.TS Lê Minh Tâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội là diễn giả chính của hội nghị. |
Văn hoá pháp luật, theo GS.TS Lê Minh Tâm là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần mà con người đã sáng tạo ra trong lĩnh vực pháp luật. Văn hoá pháp luật phải phản ánh những giá trị tốt đẹp nhằm định vị, bảo vệ và phát triển hệ thống pháp luật vốn mang tính minh bạch, là công lý chỉ dẫn cho hành động - hành vi pháp luật là biểu hiện cụ thể nhất của văn hoá pháp luật.
GS Lê Minh Tâm cho rằng tiếp cận pháp luật từ góc độ văn hoá sẽ tạo niềm tin pháp luật, điều chỉnh hành vi, đây là cách thức để người dân tìm thấy sự tự do trong pháp luật. Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cũng kỳ vọng vào việc đẩy mạnh nghiên cứu văn hoá pháp luật, đưa những nội dung về văn hoá pháp luật vào chương trình đào tạo đại học và sau đại học; mong muốn chủ đề này được đề cập trong các nghị quyết, trở thành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
|
GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu. |
Trong phần thảo luận của hội nghị, GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần xây dựng chỉ số đo lường để văn hoá pháp luật có thể trở thành chuẩn mực ứng xử, thói quen. Bên cạnh đó, GS.TS Hoàng Thị Kim Quế nhận xét “vùng tối” của văn hoá pháp luật nằm ở việc mỗi quốc gia, dân tộc lại có những góc nhìn khác nhau về cùng một vấn đề văn hoá, lấy ví dụ về “văn hoá kiện tụng” ở Hoa Kỳ và một số nước. Do đó, việc tăng cường nghiên cứu văn hoá pháp luật trong khoa học pháp lý là rất cần được chú trọng.
Đồng tình với quan điểm của GS Hoàng Thị Kim Quế, GS Lê Minh Tâm cũng đưa ra những đặc trưng văn hoá tại Việt Nam để bàn luận sâu hơn vấn đề. Do ảnh hưởng của địa chất và lịch sử chống ngoại xâm lâu dài, người Việt Nam có tính cộng đồng cao. Những phong tục, tập quán phát sinh từ nét đặc trưng này cần được hiện diện trong hệ thống pháp luật, những gì “cũ mà tốt” cần được nghiên cứu phát triển nhưng “cũ mà lạc hậu” thì cần phải xoá bỏ.
|
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh trong bài: HLU) |
GS.TS Phạm Hồng Thái - thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Luật học cho rằng, khác biệt văn hoá giữa các quốc gia dân tộc là tất yếu nhưng đã là con người thì đều có điểm chung, không có quốc gia nào là có văn hoá cao hơn quốc gia khác. Ngoài ra, về vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật, GS Phạm Hồng Thái khẳng định cần nhìn nhận các vấn đề tồn đọng để có sự thay đổi tích cực trong tiến trình Việt Nam bước vào “kỷ nguyên mới” như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.