Hội nghị của lòng tin

(PLVN) - Hôm qua (30/6), Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) giai đoạn 2012 - 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu ở các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Hội nghị tại điểm cầu huyện Thạch Thất (Hà Nội) - ảnh: Ban Tuyên giáo huyện Thạch Thất
Hội nghị tại điểm cầu huyện Thạch Thất (Hà Nội) - ảnh: Ban Tuyên giáo huyện Thạch Thất

Phải nói, đây là một hội nghị quan trọng, thu hút sự quan tâm của tất cả những ai quan tâm đến sự “tồn vong của chế độ”.

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác PCTNTC được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Kết quả đạt được trong công tác PCTNTC thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTNTC, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đánh giá tại Hội nghị cho biết, kết quả công tác PCTNTC 10 năm qua được thể hiện trên các nhóm vấn đề lớn là: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC.

Điều nhân dân tin tưởng là, công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Điều này thể hiện trên thực tế, tạo bước đột phá trong công tác PCTNTC.

Các vụ án “đình đám”, nhất là “địa chấn tham nhũng” rúng động Việt Á đang được điều tra mở rộng cho thấy điều này.

Bên cạnh việc đấu tranh, đưa tội phạm tham nhũng ra trước pháp luật, thu hồi được tài sản lớn cho Nhà nước; điều có ý nghĩa quan trọng nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Công tác cán bộ; cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được chú trọng và đạt những kết quả tích cực. Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC được đổi mới, tăng cường; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí trong PCTN,TC được phát huy...

Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khoá VII (20 - 25/1/1994) xác định nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội là 1 trong 4 nguy cơ. Như vậy “nguy cơ” tham nhũng được xác định đã từ 1/4 thế kỷ. Biết rằng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài; tuy nhiên, có cơ sở để tin cuộc đấu tranh PCTMTC sẽ ngày càng chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Đọc thêm