Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Trần Thị Kim Anh và Uỷ viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Thành Nam cùng tham gia Hội nghị.
Theo Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2023 của cơ quan Bộ Tư pháp; kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức năm 2021, năm 2022, với quyết tâm thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp đặc biệt coi trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực thực hiện.
Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tham mưu tổ chức 07 phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 12 Luật, 06 Nghị quyết quy phạm pháp luật.
Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện và quyết liệt trong kiến nghị xử lý các văn bản có nội dung trái pháp luật. Năm 2022, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 4.586 văn bản, gồm 341 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 4.245 văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tăng 32,32% so với năm 2021.
Trong công tác Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã tiếp tục tham mưu cho Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục Pháp luật Trung ương tổ chức, chỉ đạo các địa phương tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 được tổ chức đa dạng với nhiều sự kiện tôn vinh giá trị của pháp luật với điểm nhấn là Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam, tạo sự lan tỏa tích cực trong việc nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông về hoạt động của Bộ có nhiều đổi mới, nhất là trong các lĩnh vực trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự, xây dựng pháp luật. Công tác báo chí, xuất bản đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, bảo đảm giữ vững tôn chỉ mục đích và chấp hành nghiêm các chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông; tập trung đổi mới về nội dung, hình thức; kịp thời thông tin, phản ánh về kết quả, tình hình thực hiện nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành; đồng thời góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội.
Về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi 09 Luật, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, góp phần giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng ngân hàng và thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 538.630 việc, với trên 75.000 tỷ đồng, tăng trên 64% so với năm 2021, trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2021; số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.
Các mặt công tác khác như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật… đều đạt kết quả đáng ghi nhận.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được Lãnh đạo Bộ, các đơn vị quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua tổng kết thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022 cho thấy, hầu hết các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành đã được điều chỉnh bằng các quy chế, quy định; quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bảo đảm; cán bộ, công chức, viên chức được tham gia, được biết, được giám sát hoạt động của Bộ, ngành trong những vấn đề có liên quan và theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, phong cách công tác, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Bộ, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục được đổi mới. Tính chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại được thể hiện trong mọi mặt, mọi lĩnh vực, mọi hoạt động công tác của Bộ, ngành. Chất lượng, hiệu quả công tác ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại như: việc ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm hỗ trợ trong công tác, cũng như triển khai văn bản điện tử, chữ ký số tại một số đơn vị chưa cao; việc triển khai một số nhiệm vụ tại các Chương trình, Kế hoạch của Bộ, của đơn vị chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng; việc phát huy dân chủ tại một số đơn vị chưa cao, đôi khi còn hình thức; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số đơn vị đôi lúc còn chưa đảm bảo; việc phát động, triển khai các phong trào thi đua tại một số đơn vị còn chưa thường xuyên, chưa rõ nét...
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe và thảo luận các Báo cáo: công khai tài chính của Bộ năm 2022; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức, viên chức các đơn vị tại Bộ Tư pháp năm 2022; kết quả công tác cán bộ của Bộ Tư pháp năm 2022; kết quả và giải pháp nâng cao đời sống công chức, viên chức, người lao động của Công đoàn Bộ Tư pháp năm 2022; kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân năm 2022 và đề xuất hoạt động thanh tra nhân dân năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị tập thể Lãnh đạo Bộ, từng đồng chí Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng, Lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, tiếp tục thảo luận sâu hơn tại cơ quan, đơn vị để đánh giá đúng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ, chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình, động viên, khích lệ, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, cống hiến.
Nâng cao vị trí, vai trò và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn, Thanh tra nhân dân hoạt động và hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng để Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ Bộ Tư pháp tăng cường kiểm tra trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Với truyền thống vượt khó khăn, trách nhiệm trong công việc và luôn nỗ lực, cố gắng trong công việc, Thứ trưởng tin rằng trong năm 2023 và các năm tiếp theo, từng đơn vị sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp, góp phần thiết thực vào thành công chung của đất nước.
Nhân dịp này, Hội nghị đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 4 cá nhân; trao Danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp cho 8 cá nhân; trao Bằng khen của Ban Chấp hành Công chức Việt Nam cho 1 tập thể và 2 cá nhân; trao giải thưởng Gương mặt của năm cho 4 cá nhân.