Dự án hỗ trợ Học viện Tư pháp Quốc gia Lào được triển khai từ năm 2018 với mục tiên là tăng cường năng lực của Học viện Tư pháp Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Lào và cán bộ tư pháp công tác trong các lĩnh vực: Xây dựng pháp luật, thi hành án, công chứng, trọng tài thương mại…; đào tạo 3 chức danh tư pháp là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.
Cụ thể là giúp Học viện Tư pháp Quốc gia Lào xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy cho các chức danh tư pháp. Đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên của Học viện.
Tại hội nghị, đại diện ban quản lý dự án phía Việt Nam và Lào báo cáo những kết quả đạt được trong thời gian vừa quan như khảo sát, tìm hiểu, nắm bắt hoạt động đào tạo bồi dưỡng các chức danh, lĩnh vực tư pháp tại nước bạn Lào; Hỗ trợ Học viện Tư pháp Quốc gia Lào xây dựng 6 báo cáo định hướng làm cơ sở để triển khai xây dựng trương trình đào tạo, bồi dưỡng, chương trình môn học, giáo trình đào tạo, bộ tài liệu bồi dưỡng; Hoàn thành xây dựng 3 chương trình khung đào tạo, 3 chương trình đào tạo các chức danh tư pháp
|
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và Thứ trưởng Sởm Súc - Sím Phạ Vông đồng chủ trì hội nghị |
Triển khai xây dựng 3 chương trình môn học đào tạo, 3 bộ tài liệu bồi dưỡng và biên soạn 11 cuốn giáo trình đào tạo; Tổ chức thành công 3 lớp đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Lào trong lĩnh vực thi hành án, công chứng, thẩm phán, Viện kiểm sát, luật sư; Đón đoàn công tác Bộ Tư pháp Lào do Thứ trưởng Phayvy Syboualaypha làm Trưởng đoàn sang tìm hiểu cơ cấu, tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự, trao đổi học hỏi trong công tác xây dựng, sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, Luật phá sản của Việt Nam…
Những kết quả đạt được là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Bộ Tư pháp và trực tiếp là Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh – Trưởng ban chỉ đạo Dự án; sự giúp đỡ phối hợp của các Bộ, Ngành khác.
Ngoài những thành quả đạt được, Ban quản lý dự án 2 nước cũng nêu ra nhiều khó khăn vướng mắc như còn lúng túng trong quá trình thực hiện dự án, dự toán kinh phí, việc giải ngân kinh phí dự án hằng năm. Đại diện hai nhóm nghiên cứu của Việt Nam và Lào còn trở ngại do rào cản về ngôn ngữ khi chỉ một ít thành viên của Lào biết tiếng Việt.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Đại diện hai ban quản lý cũng đề ra kế hoạch hoạt động trong quý IV năm 2019 và năm 2020. Đồng thời, đề xuất lãnh đạo Ban chỉ đạo Dự án 2 nước tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã nêu.
Sau khi lắng nghe báo cáo của hai bên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào, ông Sởm Súc - Sím Phạ Vông cho rằng, đây là dự án Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho Lào để tăng cường trình độ nên phía Lào sẽ bố trí cán bộ để có thể tháo gỡ rào cản về ngôn ngữ. Về tài chính, Thứ trưởng Sởm Súc - Sím Phạ Vông mong muốn hai nước cùng nhau thống nhất phương thức giải ngân, thời gian để có kinh phí cho hoạt động xuyên suốt. Thứ trưởng cũng mong muốn trong chương trình sẽ có tổ chức lớp học về quản tài viên để sau này làm giảng viên cho đội ngũ cán bộ theo Luật phá sản nhà nước.
“Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tư pháp Lào thì Dự án rất có ích và chúng tôi rất tích cực trong công tác chỉ đạo. Do đây là Dự án đầu tiên nên làm thế nào để có kết quả tốt nhất cần sự nỗ lực hơn từ hai phía” Thứ trưởng Sởm Súc - Sím Phạ Vông chia sẻ.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Đặng Hoàng Oanh: “Chúng ta quyết tâm cao để thực hiện dự án ý nghĩa này" |
Tiếp lời của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam, bà Đặng Hoàng Oanh: “Chúng ta quyết tâm cao để thực hiện dự án ý nghĩa này. Đây là dự án đầu tiên, có mục tiêu rất xác thực với Chính phủ và Bộ Tư pháp Lào. Đó là hỗ trợ, tăng cường năng lực cho Học viện Tư pháp Quốc gia Lào. Cụ thể là xây dựng phần mềm từ các chương trình đào tạo từ chương trình khung đến giáo trình, bồi dưỡng. Chúng ta đang đi đúng hướng. Sau khi thực hiện xong các chương trình này thì chúng ta tổ chức đào tạo trên cơ sở các phần mềm. Song song với việc xây dựng chương trình thì chúng ta có các khóa bồi dưỡng ban đầu cho giảng viên của Học viện Tư pháp Quốc gia Lào. Có những vướng mắc trên thực tế thì xuất phát từ vấn đề khách quan”.
|
2 Thứ trưởng chụp hình với các thành viên Ban quản lý dự án 2 nước |
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, phía Việt Nam khẳng định hoàn thành 100% các hoạt động mà theo văn kiện phải thực hiện. Còn các dự án thực hiện tại Lào thì hiện nay đang chậm, đánh giá chỉ đạt 40%. Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới đồng chí Trưởng ban chỉ đạo cố gắng tập trung nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ. Những vướng mắc về cán bộ phía Lào, Việt Nam mong các bạn Lào thu xếp để cán bộ biết tiếng Lào tham gia hỗ trợ dự án. Về cơ chế tài chính, phía Việt Nam sẽ báo cáo các cơ quan chức năng.
“Với nền tảng quan hệ đặc biệt Việt Nam Lào, quan hệ hợp tác về pháp luật, tư pháp nói chung và giữa hai ngành Tư pháp nói riêng đã được thiết lập và không ngừng tăng cường trong suốt thời gian qua. Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Quốc gia Lào từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan pháp luật và tư pháp Lào là bằng chứng cho việc thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước nói chung, và giữa Bộ, Ngành 2 nước nói riêng. Qua gần 2 năm triển khai rất quyết liệt, dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự lãnh đạo 2 Bộ thì dự án đã và đang thu được những kết quả thiết thực. Những vướng mắc khó khăn 2 bên sẽ cùng nhau tháo gỡ” Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu.
|
Kết thúc hội nghị Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và Thứ trưởng Sởm Súc - Sím Phạ Vông tặng quà lưu niệm và chụp hình với các thành viên Ban quản lý dự án 2 nước.