Tham dự hội nghị còn có ông Nguyễn Thanh Bình – Cục trưởng Cục công tác phía Nam; bà Huỳnh Thị Lệ Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam; Ông Cao Thanh Sơn – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang, cùng 25 đại biểu đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc khu vực phía Nam.
Bám sát chương trình công tác trọng tâm của Bộ, ngành, địa phương
Tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn trao đổi, thảo luận về một số vấn đề và giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế trong công tác tư pháp thời gian qua. Cụ thể như việc triển khai Luật Hộ tịch trong hoạt động hành chính tư pháp; các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng; việc phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản ở các địa phương; công tác quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn do cơ cấu tổ chức của một số Văn phòng công chứng không ổn định; hoạt động Thừa phát lại vẫn gặp nhiều trở ngại liên quan đến công tác lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án dân sự.
|
Ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại hội nghị |
Trong những năm qua, Lãnh đạo tỉnh đã giao cho Sở Tư pháp làm đầu mối cùng với Hiệp hội Doanh Nghiệp, Hội doanh nhân trẻ, hội Nữ doanh nhân để tiếp cận hỗ trợ mọi lúc mọi nơi cho Doanh nghiệp trong việc đảm bảo hành lang pháp lý tiếp cận các dự án nói chung và đặc biệt những dự án lĩnh vực cụ thể nói riêng, Sở Tư pháp cũng làm đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp làm tường trình trên địa bàn tỉnh An Giang. Đối với tỉnh An Giang, việc này vừa là nguyên tắc cũng là một kinh nghiệm quý trong lãnh đào điều hành. Ngành Tư pháp luôn tham mưu trong việc đảm bảo hành lang pháp lý, ra những chỉ thị các Nghị Quyết, xử lý hành chính trên tất cả những lĩnh vực.
Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy - Phó Cục Trưởng cục công tác phía Nam (BTP) báo cáo với Hội Nghị công tác tư pháp khu vực phía Nam 06 tháng đầu năm 2019 cũng như phương hướng nhiệm vụ 06 tháng cuối năm: Công tác tư pháp tại các địa phương trong khu vực phía Nam đã bám sát 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, triển khai cơ bản, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thông báo Kết Luận của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Hội Nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Việc thực hiện chương trình xây dựng VBQPPL đã được quan tâm thực hiện cơ bản đảm bảo chất lượng, tiến độ; công tác quản lý xử phạm hành chính được chú trọng thực hiện từng bước có sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó công tác tư pháp vẫn còn một số điểm hạn chế bất cập cần khắc phục như công tác tổ chức cán bộ cần sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, hoạt động Phổ biến giáo dục pháp luật chưa có nhiều hình thức mới, tạo được bước đột phá, Chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, Bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp tại một số địa phương còn chưa tốt.
|
Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy - Phó Cục Trưởng cục công tác phía Nam cho biết, công tác tư pháp tại các địa phương trong khu vực phía Nam đã bám sát 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm |
Qua đó, bà Huỳnh Thị Lệ Thủy cũng đưa ra một số đề xuất như: Sớm sửa đổi Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật 2015 để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho địa phương, thường xuyên tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng kiểm tra rà soát cho đội ngũ công chức trực tiếp làm công tác này, rà soát sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định về xử phạt VPHC chuyên ngành để thống nhất, đồng bộ; Cần tổng kết việc thi hành Luật Hòa Giải ở cơ sở và đánh giá toàn diện công tác hòa giải ở cơ sở nhằm rút ra kinh nghiệm và khắc phục hạn chế, phát huy tối đa những mặt đạt được trong quá trình áp dụng Luật vào thực tế.
Cần có các giải pháp đột phá
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ghi nhận, trong 06 tháng đầu năm 2019, công tác tư pháp khu vực phía Nam đã có một số đổi mới, cơ bản bám sát chương trình công tác trọng tâm của Bộ, ngành và của địa phương. Qua đó đóng góp thiết thực vào những thành quả chung của Bộ, ngành Tư pháp và sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng đánh giá, công tác tư pháp trong khu vực cũng bộc lộ những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có cả chủ quan và khách quan, nhưng Thứ trưởng yêu cầu cần thẳng thắn nhìn nhận sự đầu tư và quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tư pháp của một số địa phương chưa tốt, chưa thực sự quan tâm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, thực thi nhiệm vụ, công vụ, đặc biệt, việc kiện toàn tổ chức, công chức tư pháp cấp huyện, cấp xã chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
|
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị các địa phương trong khu vực cần tiếp tục tích cực nỗ lực phấn đấu, có giải pháp đột phá thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương |
Để triển khai công tác tư pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các địa phương trong khu vực cần tiếp tục tích cực nỗ lực phấn đấu, có giải pháp đột phá thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Kế hoạch công tác năm 2019 của cơ quan để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của địa phương. Đặc biệt là nâng cao vị thế và vai trò của cơ quan tư pháp địa phương.
Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Phát huy vai trò của Sở Tư pháp trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản tại địa phương. Triển khai thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021; Đề án đổi mới công tác PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021; Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; hướng dẫn công nhận kết quả hòa giải và các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài tòa án để người dân tích cực sử dụng hòa giải khi giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.
Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình THPL trọng tâm năm 2019 đối với các lĩnh vực trọng tâm liên ngành TDTHPL về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, lĩnh vực trọng tâm của Bộ về hòa giải ở cơ sở và kiểm tra văn bản. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2024. Chủ động hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong quá trình đăng ký hộ tịch; kiểm tra công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại cấp huyện, cấp xã.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Thực hiện tốt việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu LLTP, đảm bảo thông tin LLTP được kiểm tra, phân loại, lập LLTP, cập nhật bổ sung và đưa vào lưu trữ kịp thời; tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP, bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thời hạn và cải cách hành chính trong việc cấp Phiếu. Tăng cường công tác phối hợp trong tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực luật sư, công chứng, GĐTP, BĐGTS, thừa phát lại, quản tài viên.
Thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính trong công tác tư pháp, nhất là các lĩnh vực liên quan đến lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực. Ứng dụng công nghệ thông tin; tham mưu với lãnh đạo UBND cấp tỉnh về công tác cán bộ, đảm bảo bố trí đủ cán bộ, có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công việc. Gắn với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong điều kiện kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy sắp tới.