Trong Hội nghị diễn ra đến ngày 6/10 này, Ban Chấp hành TƯ sẽ bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, gồm: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (KTXH), ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN năm 2019; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng; công tác nhân sự và một số nội dung quan trọng khác.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính
Thông tin khái quát về tình hình KT-XH, NSNN năm 2018 và kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN năm 2019 sẽ được báo cáo tại Hội nghị TƯ 8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, trong 12 chỉ tiêu KT-XH năm nay, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch.
Trong đó, báo cáo trình ra TƯ tại Hội nghị lần thứ 8 tính toán GDP năm 2018 đạt chỉ tiêu 6,7% (kế hoạch đặt ra là 6,5 – 6,7%). Ngoài ra còn có các chỉ tiêu vượt có tổng kim ngạch xuất nhập, tỷ lệ nhập siêu, CPI (4%), tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều), thất nghiệp, số dân tham gia BHYT…
Ông Nguyễn Văn Trung nhận định: “Theo đà năm trước, các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch của năm 2018 vừa đảm bảo cho duy trì nền kinh tế ổn định, phát triển và tạo tiền đề cho năm 2019”. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cũng nhìn nhận rõ trong năm 2018 vẫn có những hạn chế trong chính sách, giải pháp và chỉ đạo điều hành KT-XH. “Những hạn chế này sẽ được rút kinh nghiệm cho việc triển khai năm 2019 và những năm tới” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Trên tinh thần thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, một số chỉ tiêu có nhỉnh hơn so với kế hoạch đặt ra cho thấy sự “nhấn mạnh về chất lượng” của các chỉ tiêu. Trong năm 2018-2019, Chính phủ sẽ tiếp tục trình QH điều chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có tác động đến nền kinh tế vĩ mô và thực hiện các chỉ tiêu phát triển.
Các cơ quan cũng vẫn tiếp tục rà soát các VBQPPL liên quan đến thủ tục hành chính. “Có thể nói năm 2018, TTHC cũng là một nội dung cơ bản sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2019 theo định hướng cải cách” – ông Trung cho biết thêm.
Chuyển giá, nợ thuế, thất thu vẫn là thách thức
Còn về tình hình thực hiện NSNN 9 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, có nhiều điểm tích cực nổi bật như thu dự kiến vượt dự toán hơn 40.000 tỷ đồng theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu của Chính phủ. Tỷ lệ bội chi ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (3,7%).
Đặc biệt, nợ công ước tính đến 31/12/2018 sẽ đạt khoảng 61% GDP, xa dần mức trần 65% GDP và tiến gần đến mức an toàn là 60% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia cũng dưới ngưỡng 50% (ở mức 49,7% GDP). Một nét “được” nữa là cơ cấu chi. Tỷ lệ chi đầu tư phát triển đã vượt mức 23,2% năm 2017 mà năm 2018 đã đạt được 26,2%.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, tình trạng chuyển giá, nợ thuế, thất thu ở trong nền kinh tế vẫn ở mức độ thách thức, cần có giải pháp khắc phục hiệu quả. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả cũng chưa cao khi 9 tháng đầu năm, giải ngân ước mới được 48 – 49%. “Nếu tiếp tục thực hiện tốt và theo đúng luật cho phép là được giải ngân đến 31/1/2019 thì cũng chỉ có thể đạt 88%. Như vậy, còn 12% vốn đầu tư công chưa giải ngân được”, ông Tuấn nói. Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng đề cập đến tình trạng vốn ODA đã ký kết, có tiền nhưng chưa được triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại ở các dự án lớn.
Trong năm 2019, Chính phủ tiếp tục trình đề án bám sát yêu cầu Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách, đảm bảo vừa động viên đúng và đủ cho ngân sách, vừa đảm bảo khuyến khích nền kinh tế phát triển với mức huy động vào ngân sách khoảng 23,5% GDP, tỷ lệ thu từ thuế và phí khoảng 20,5% GDP, bảo đảm bội chi ở mức 3,6% GDP. Nợ công đến ngày 31/12/2019 còn 61,3% GDP. Nợ quốc gia với nước ngoài tiếp tục ở mức 49% GDP, trong giới hạn cho phép…
Trình bày về kết quả thực hiện chiến lược biển Việt Nam sau 10 năm sẽ được trình tại Hội nghị TƯ 8, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thừa nhận, bên cạnh những thành tựu, còn những hạn chế, chưa đạt như kỳ vọng.
“Ngành công nghiệp đóng tàu chưa đạt được mục tiêu đề ra, do mô hình phát triển, quản lý còn duy ý trí, nóng vội, để xảy ra thất thoát. Chúng ta kỳ vọng nó trở thành ngành mũi nhọn thì hiện nay nó không còn là mũi nhọn. Nó đã qua cơ hội để vượt lên, cạnh tranh trên thế giới để chúng ta hướng ra biển. Hay khai thác thuỷ sản của Việt Nam đã chớm mức vượt quá khả năng cung cấp, ảnh hưởng tới nguồn lực lâu dài của hệ sinh thái và đa dạng sinh học; khai thác dầu khí, công nghiệp hàng hải… cũng chưa đạt”.
Cũng theo Bộ trưởng, xu thế phát triển kinh tế trên biển hiện đã thay đổi. Nếu trước đây, mô hình dựa và khai thác tự nhiên, tài nguyên khoáng sản thô thì nay đã chuyển sang kinh tế sạch – xanh. Đặc biệt, phải bảo đảm hệ sinh thái biển, vùng đất đang ngập mặn và tính đến yếu tố đặc thù là ô nhiễm môi trường biển.
“Kinh tế biển xanh phải kết hợp với kinh tế tri thức, kinh tế dựa trên các công nghệ 4.0 chứ không phải dựa vào tài nguyên nữa”, ông Trần Hồng Hà nói và cho rằng, phải có quan điểm mới, tư duy mới, yêu cầu mới đối với phát triển kinh tế biển.
Dự kiến, tại Hội nghị lần thứ 8 này, TƯ sẽ ban hành Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.