Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá cao nỗ lực cải cách tư pháp của Hải Dương

(PLO) - Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được trong việc thực hiện cải cách tư pháp của Hải Dương.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc

Ngày 1/10, sau khi kiểm tra và làm việc tại Tòa án nhân dân tỉnh và Công an tỉnh Hải Dương, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên Ban Chỉ đạo cải các tư pháp Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Hải dương về tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại địa phương.

Tại buổi làm việc, các đại diện đã thảo luận, làm rõ những kết quả, hạn chế, khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác cải cách tư pháp ở Hải Dương.

Thay mặt tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương đã đề nghị QH ban hành luật bảo đảm tính đồng bộ; kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp để các cơ quan tư pháp thuận tiện hơn trong việc áp dụng thống nhất, đạt hiệu quả cao trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đầu tư cơ sở vật chất… Đồng thời, Bí thư tỉnh Hải Dương cũng đề xuất QH xem xét, bổ sung thêm biên chế thẩm phán cho toàn án nhân dân hai cấp để có điều kiện giải quyết án đúng hạn, đạt chất lượng…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu ngoài việc đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà Hải Dương đã đạt được trong việc thực hiện cải cách tư pháp, còn ghi nhận, chia sẻ những khó khăn, kiến nghị của tỉnh. Ông Lưu đề nghị các cơ quan Trung ương cần phối hợp với tỉnh Hải Dương để từng bước tháo gỡ, khắc phục những khó khăn. Đối với tỉnh Hải Dương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh cũng cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc chất lượng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về cải cách tư pháp bằng nhiều biện pháp, hình thức… nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đọc thêm