Hội nghị về khí hậu COP 27 từ ngày 6 - 8/11/2022: Nguyện vọng người trẻ về chính sách khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu. Thanh niên - nhóm đại diện cho 23% dân số Việt Nam, sẽ có tiếng nói rất quan trọng trong việc thực hiện các cam kết khí hậu đến năm 2050.
Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu
Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu

Cụ thể, kể từ khi bắt đầu thực hiện Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” vào năm 2021, đến nay, thanh niên Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Ví như, với sự hỗ trợ của UNDP, thanh niên Việt Nam đã thành lập Trung tâm học tập thanh niên hành động vì khí hậu đầu tiên, Mạng lưới thanh niên vì khí hậu,… Tuyên bố thanh niên tại Việt Nam đã nhận được hơn 1.000 chữ ký, đóng góp vào tiếng nói thanh niên toàn cầu trước cuộc chiến với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Giống như bản báo cáo năm 2021, bản báo cáo năm 2022 vừa được công bố tại Lễ công bố Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu năm 2022” được UNDP phối hợp với Cục BĐKH, Bộ TN&MT tổ chức vừa qua do 24 tác giả trẻ tiêu biểu trên cả nước viết. Báo cáo gồm bốn chủ đề chính: Thanh niên với chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải hướng tới phát thải ròng bằng “0”; và thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Các tác giả đã nghiên cứu hơn 130 sáng kiến và dự án khí hậu do thành niên khởi xướng, là những trường hợp điển hình về hành động khí hậu thiết thực do thanh niên thực hiện.

Theo Báo cáo đặc biệt lần này, thanh niên đang đối mặt với hai khó khăn chính: hạn chế tài chính và thiếu kiến thức kỹ thuật, kỹ năng. Báo cáo cũng đề xuất các hướng giải quyết, như phát triển cổng kết nối thông tin tài chính cho BĐKH dành cho thanh niên, thúc đẩy vai trò của thanh niên trong quản trị khí hậu và ngoại giao khí hậu và xây dựng bộ tài liệu chuyên ngành dành cho thanh niên...

Tại Lễ công bố, các bạn trẻ cũng đã trình bày các vấn đề quan tâm của mình, trong đó mong muốn Chính phủ ưu tiên đầu tư vào các nhà máy điện tái tạo; xác lập lộ trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030; hạn chế các tổ chức tài chính đầu tư vào các dự án phát thải cao; và giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm này vào năm 2030.

“Thanh niên cần được trao quyền và hỗ trợ một cách thiết thực nhất để có thể tham gia vào các hoạt động khí hậu và đem lại sự hiệu quả”, bà Ramla Al Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam - nhấn mạnh tại Lễ công bố.

Với mong muốn thanh niên được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, ông Khổng Tuấn Anh - Điều phối Tổ chức Thanh niên Ynet bày tỏ: “Chúng tôi khuyến nghị rằng thanh niên phải được bày tỏ quan điểm, tiếng nói và tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng chính sách tại cấp địa phương và quốc gia, bao gồm các chính sách quan trọng như: Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, các luật và chính sách về BĐKH và môi trường”.

Được biết, bản báo cáo đặc biệt lần hai này cũng đã được giới thiệu với Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres tại Đối thoại chính sách với thanh niên khi ông sang thăm chính thức Việt Nam mới đây. Bà Amal Salama, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam khẳng định, Ai Cập dành riêng một ngày cho sự tham gia của thanh niên trong tiến trình hành động vì khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hợp quốc (COP27).

Đọc thêm