Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao sự tham gia đông đảo và tích cực của các nhà đầu tư, các đối tác Hàn Quốc, thể hiện trách nhiệm và tâm huyết trong mục tiêu chung tay xây dựng mối quan hệ Việt - Hàn ngày càng thịnh vượng.
Sau hơn 25 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Bộ trưởng khẳng định, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ và đang ở vào giai đoạn tốt nhất trong lịch sử.
Hàn Quốc hiện nay là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Đến tháng 3/2018 tính lũy kế đã có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ đầu theo sau là Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.
Bên cạnh đó, một loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang được ký kết, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) tạo ra dòng chảy thương mại giữa các quốc gia và các đối tượng tham gia. Trong bối cảnh đó, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước mà đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In vào tháng 3/2018 vừa qua đã làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực; thúc đẩy liên kết giữa hai nền kinh tế cả ở cấp trung ương và địa phương trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm vì hòa bình, ổn định và sự phồn vinh của khu vực và trên thế giới.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam là nền kinh tế mở, năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên phá kỷ lục chạm ngưỡng 400 tỷ USD; tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 319,6 tỷ USD. Khu vực DN FDI đã tạo ra hàng triệu việc làm cũng như thúc đẩy đổi mởi mô hình tăng trưởng. Với quy mô dân số đang tiệm cận 100 triệu dân, trong đó 60% có độ tuổi dưới 35, Việt Nam có lợi thế về khả năng cung cấp một lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có chất lượng với chi phí cạnh tranh. Việt Nam luôn có sự ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; thể chế luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam không ngừng được cải thiện, từng bước phù hợp với các cam kết và chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, DN yên tâm hoạt động lâu dài, phát triển.
Hiện tại, xu hướng các DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam rất lớn, lớn nhất trong số các nước ASEAN. Hàn Quốc đã và đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt 59 tỷ USD (tính đến 20/3/2018). Bộ trưởng khẳng định Chính phủ Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao sự tin tưởng và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam trong suốt gần ba thập niên qua.
“Chúng tôi mong rằng sau Hội nghị này, các DN hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Bộ Tài chính Việt Nam cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các DN hai nước, cùng tiến tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại giữa 2 nước lên hơn 100 tỷ USD vào năm 2020 và Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia hàng đầu về đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp vào Việt Nam”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông JunDong Kim, Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Hàn Quốc kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Hàn Quốc nói Bộ trưởng Bộ Tài chính là vị Bộ trưởng đầu tiên của Việt Nam sang thăm Hàn Quốc sau chuyến công tác thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 3 vừa qua. Theo ông JunDong Kim, nhà đầu tư Hàn Quốc rất quan tâm đến Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng Chiến lược hướng Nam mới, nhằm tăng kim ngạch giao thương giữa Hàn Quốc và ASEAN, trong đó Việt Nam là đối tác trọng tâm của sự hợp tác. Hiệp hội các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện có 200.000 thành viên là DN, trong đó trên 50% rất quan tâm đến châu Á, trong đó Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn nhất.
Chia sẻ về triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng cho biết, sau 18 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam được biết đến là một thị trường non trẻ nhất, quy mô khiêm tốn nhất, nhưng đến nay là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á.
Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 4 lần, năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại là gần 84% GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua là 43%/năm. Nếu vào thời điểm 2006, tính cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán (Sở GDCK) chỉ có 192 DN niêm yết/đăng ký giao dịch thì cho đến nay, thị trường có 1.467 DN niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 Sở (trong đó có 743 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết và 724 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM), và có gần 30 DN có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Nhiều DN tên tuổi lớn hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế khác nhau đã tham gia TTCK như Vinamilk, Vin Group, Novaland, Sabeco, Vietnam Airline, Vietjet Air, Petrolimex, Vpbank,… và những tên tuổi lớn khác sắp được chào sàn như Techcombank, Vinhomes… Trong năm 2017, có 92,5% DN niêm yết có lãi, tổng doanh thu tăng 18,5% và tổng lợi nhuận sau thuế tăng 27,5% so với năm 2016.
VN-Index - chỉ số đại diện cho TTCK Việt Nam đã tăng trưởng hơn 48% trong năm 2017. Đến thời điểm Quý I của năm 2018, VN-Index tiếp tục tăng trưởng thêm 19,3% trong khi HNX-Index tăng trưởng 13,3%. Thanh khoản của TTCK tăng mạnh. Nếu năm 2017, thanh khoản thị trường tăng 66% so với năm 2016 thì sang quý I/2018 đã gần tăng 76% so với năm 2017, và đang giao dịch ở mức khoảng 390 triệu USD/ngày.
Về cấu trúc của thị trường, Chủ tịch UBCKNN cho biết, TTCK Việt Nam đã có một hệ thống thị trường với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh bao gồm thị trường cổ phiếu được tổ chức ở 2 Sở GDCK, thị trường TPCP được tổ chức tại SGDCK Hà Nội có quy mô đạt 19% GDP, giao dịch bình quân năm 2017 đạt gần 400 triệu USD/ngày và mới đây là TTCK phái sinh (8/2017). Mặc dù mới ra đời chưa được 01 năm và mới chỉ có 01 sản phẩm giao dịch là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, nhưng TTCK phái sinh đã có tốc độ tăng trưởng bình quân 42%/tháng và đang thu hút được mối quan tâm ngày càng lớn.
Đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Chủ tịch UBCKNN đánh giá, Hàn Quốc có cộng đồng DN đông đảo đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có nhiều ngân hàng, DN bảo hiểm, văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ và đặc biệt là có 05 CTCK gốc do Hàn Quốc sở hữu 100% vốn hoặc giữ cổ phần chi phối trên 90%.
“Do vậy, tôi tin tưởng rằng con số gần 5 nghìn tài khoản và giá trị danh mục của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Chúng tôi đánh giá cao chất lượng của các nhà đầu tư và cam kết sẽ cùng với Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSS) và các cơ quan liên quan của Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam, bởi thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi”, Chủ tịch UBCKNN nói.