Tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi
Là một trong 4 tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Minh Hóa, trong thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã tăng cường phối hợp cùng với NHCSXH huyện đẩy mạnh giải ngân cho vay các nguồn vốn ủy thác đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, tạo cho hội viên nghèo tiếp cận nguồn vốn kịp thời để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Đến nay, nguồn vốn HND huyện quản lý ủy thác có 15 chương trình tín dụng, có 15/15 tổ chức HND cấp xã ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH huyện. Chỉ tính riêng trong năm 2023 đã có đến 915 lượt khách hàng vay vốn ủy thác qua tổ chức hội với tổng doanh số giải ngân là 60.344 triệu đồng.
Đến nay, tổng dư nợ hội quản lý là 236.883 triệu đồng với 3.828 hộ vay vốn, các chương trình quản lý nguồn vốn dư nợ lớn như: Cho vay hộ cận nghèo 54.849 triệu đồng với 1.029 hộ vay vốn; cho vay hộ mới thoát nghèo 50.005 triệu đồng với 895 hộ vay vốn; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 27.920 triệu đồng với 530 lao động được vay vốn, còn lại là các chương trình tín dụng khác.
Một số tổ chức HND cấp xã quản lý nguồn vốn tương đối lớn như: HND thị trấn Quy Đạt quản lý 33.886 triệu đồng với 433 hộ vay vốn; HND xã Yên Hóa quản lý 27.598 triệu đồng với 321 hộ vay vốn; HND xã Trung Hóa quản lý 21.108 triệu đồng với 321 hộ vay vốn. Chất lượng tín dụng ủy thác qua tổ chức HND duy trì tỷ lệ nợ quá hạn 0,04%/dư nợ quản lý, chất lượng chấm điểm đánh giá hoạt động ủy thác có 15/15 đơn vị ủy thác đạt loại tốt, có 100% tổ xếp loại khá, tốt; có 11/15 tổ chức HND xã quản lý không có dư nợ vay quá hạn, chiếm đến 73%.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả nhờ vốn chính sách
|
Mô hình vay vốn đầu tư chăn nuôi hiệu quả của ông Đinh Thanh Mại ở xã Hóa Tiến. |
Đến thăm mô hình phát triển nuôi cá nước ngọt và chăn nuôi đại gia súc sinh sản của ông Đinh Thanh Mại ở thôn Yên Phong, xã Hóa Tiến, gia đình ông được HND xã tín chấp vay vốn NHCSXH huyện với 3 chương trình tín dụng để phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản và nuôi cá nước ngọt, tổng số tiền vay 149 triệu đồng, có vốn gia đình ông đã đầu tư làm chuồng trại và mua giống trâu, bò về phát triển chăn nuôi, đồng thời chi phí đào ao nuôi cá trắm cỏ.
Đến nay đàn bò của gia đình ông Mại có 7 con bò, 3 con trâu và 500m2 diện tích ao nuôi cá nước ngọt; từ nguồn vốn vay đã tạo việc làm cho 2 lao động trong gia đình; thu nhập hàng năm của gia đình sau khi trừ đi các khoản chi phí ước tính khoảng 40 triệu đồng/năm. Ông Đinh Thanh Mại nhiều năm liền được bầu chọn là hội viên HND sản xuất kinh doanh giỏi của xã Hóa Tiến.
Hay như mô hình trồng rừng cây keo lai và chăn nuôi bò sinh sản của chị Hồ Thị Thoan ở bản La Trọng 2, xã Trọng Hóa. Chị Thoan là người dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều, được NHCSXH huyện cho vay hai đợt vốn với số tiền 100 triệu đồng, trong đó có 51 triệu đồng thuộc nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với lãi suất vay ưu đãi dành cho lao động là người dân tộc thiểu số chỉ 0,33%/tháng; có vốn chị đầu tư mua bò để chăn nuôi và đầu tư trồng, chăm sóc 2,5 hecta rừng cây keo lai, đến nay đàn bò đã nhân lên được 6 con, rừng cây keo lai đã cho thu hoạch hai lứa với số tiền 60 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng mơ ước của nhiều người dân tộc thiểu số như chị Thoan ở xã Trọng Hóa thuộc xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn ở huyện Minh Hóa trong phát triển kinh tế.