Huyện Minh Hóa (Quảng Bình): Vốn chính sách hỗ trợ người lao động có việc làm ổn định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Tại huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình), Chương trình tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giúp gần 1,4 ngàn người lao động được hỗ trợ vay vốn, từ đó góp phần giảm nghèo bền vững.
Phiên giao dịch giải ngân tại điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. (Ảnh: PV)
Phiên giao dịch giải ngân tại điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. (Ảnh: PV)

Thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Qũy quốc gia về việc làm. Trong năm 2023, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được phân giao bổ sung, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác giải ngân cho vay nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc đến người lao động. Đây là một trong 21 chương trình tín dụng mà Chính phủ đang giao cho NHCSXH huyện Minh Hóa thực hiện.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2023 có 590 lượt người lao động được vay vốn với số tiền 33.734 triệu đồng, bình quân vay vốn 57,1 triệu đồng/lượt lao động. Đây là kênh vốn thực hiện cho vay trực tiếp đến người lao động trong hộ gia đình để tạo việc làm, lãi suất rất ưu đãi chỉ 0,66%/tháng, các trường hợp người lao động vay vốn để tạo việc làm mà bị khuyết tật, người lao động là người dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn thì lãi suất ưu đãi là 0,33%/tháng.

Năm 2023, tỉnh Quảng Bình phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, tương ứng với giảm 2.045 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.810 hộ; hộ cận nghèo 0,5%, tương ứng với giảm 1.285 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.963 hộ.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay của chương trình tín dụng này tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là 71.198 triệu đồng với 1.395 lao động vay vốn; dư nợ chương trình tín dụng chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện. Một số xã, thị trấn có dư nợ chương trình tín dụng tương đối lớn như: Thị trấn Quy Đạt có 400 lao động vay vốn với dư nợ 21.283 triệu đồng; xã Yên Hóa có 151 lao động vay vốn với dư nợ 7.700 triệu đồng; xã Trung Hóa có 142 lao động vay vốn với dư nợ 6.809 triệu đồng; xã Hóa Hợp có 126 lao động vay vốn với dư nợ 6.367 triệu đồng.

Mô hình vay vốn chăn nuôi bò hiệu quả của ông Đinh Tiến Đức. (Ảnh: PV).

Mô hình vay vốn chăn nuôi bò hiệu quả của ông Đinh Tiến Đức. (Ảnh: PV).

Đến thăm mô hình chăn nuôi bò phát huy tốt hiệu quả của ông Đinh Tiến Đức ở thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa mới thấy rõ hiệu quả của dòng vốn chính sách. Gia đình ông Đức được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Liêm Hóa thuộc Hội Nông dân bình xét cho vay vốn Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ NHCSXH huyện với số tiền chỉ 50 triệu đồng để đầu tư mua thêm giống bò phát triển chăn nuôi bò sinh sản và bò bán thịt, đến nay đàn bò của gia đình ông thường xuyên có đến 25 - 30 con, giải quyết việc làm cho 2 lao động trong gia đình, hàng năm gia đình thu lãi từ doanh thu bán bò sau khi trừ đi các khoản chi phí cũng được từ 80 - 90 triệu đồng/năm.

Hay như cơ sở sản xuất và dịch vụ in ấn quảng cáo của anh Đinh Tiến Huấn ở tổ dân phố 6, thị trấn Quy Đạt, anh vay vốn từ chương trình tín dụng Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH huyện với số tiền 65 triệu đồng, có vốn anh đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất của mình, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, bình quân thu nhập hàng tháng từ 6 - 7 triệu đồng/lao động, bình quân lợi nhuận thu được của cơ sở sản xuất từ 100 - 110 triệu đồng/năm; cơ sở sản xuất của anh Huấn là một trong những điển hình tiêu biểu đoàn viên thanh niên vay vốn phát huy tốt hiệu quả của huyện nhà.

Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%.

Ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo giảm từ 4% - 5%.

Dự kiến cuối năm 2023, có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, gồm: xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình); xã Hải An và Hải Khê (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị); xã Phong Chương, Điền Hương (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế); xã Giang Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế); xã Phú Gia, Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế); xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Qua đó, góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đối với 10/54 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đạt khoảng 18,5% so với chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Đọc thêm