Hồi phục kinh tế hậu đại dịch: Đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam từng cho thấy đại dịch COVID-19 không chỉ làm hằn sâu những bất bình đẳng hiện hữu mà còn tạo thêm những bất bình đẳng giới mới. Trước những tác động nặng nề của đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã, đang và đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là trong lĩnh vực việc làm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phụ nữ chịu nhiều ảnh hưởng

Khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp theo hướng bất lợi cho phụ nữ. Đơn cử như năm 2020 – năm đầu tiên đại dịch xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trong quý IV năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019. Trong số những phụ nữ phải rời bỏ lực lượng lao động trong quý II, III năm 2020 thì nhóm từ 15 đến 24 tuổi và từ 55 tuổi trở lên chiếm phần lớn. Phụ nữ thường tập trung ở một số ngành/lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và bị ảnh hưởng nhiều nhất...

Kết quả nghiên cứu đại dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó do Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện cho thấy đối với lao động phi chính thức tại hai thành phố Hà Nội và TP HCM, nhóm nữ giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên bốn khía cạnh: việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới.

Năm 2022, mặc dù ở Việt Nam dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng do sự ảnh hưởng lâu dài và to lớn của đại dịch dẫn đến suy thoái kinh tế trên toàn cầu, xung đột vũ trang, ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu khiến phụ nữ vẫn là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực việc làm. Tháng 9/2022, trong phiên làm việc, một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH với trọng trách là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm về công tác thực hiện pháp luật bình đẳng giới, mục tiêu quốc gia bình đẳng giới, nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về tỷ lệ thất nghiệp giữa nam và nữ sau đại dịch. Từ đó sẽ có các giải pháp cụ thể, khả thi để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới…

Trao quyền cho phụ nữ để phục hồi và phát triển

Vấn đề bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Lần đầu tiên, Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Chiến lược đã được ban hành kịp thời với các mục tiêu, chỉ tiêu phản ánh thực chất vấn đề về bình đẳng giới, phù hợp với thực hiện. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Ở góc độ pháp luật, từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực với cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang bảo đảm quyền đối với mọi người lao động, kể cả nữ và nam. Việc áp dụng những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới cùng các nội dung mới trong năm 2021 sẽ thúc đẩy và đảm bảo hơn các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm chống phân biệt đối xử trong lao động việc làm giữa nam và nữ.

Cùng với Bộ luật Lao động 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2021 nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật về lao động và góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, đảm bảo quyền đối với lao động nữ và nam.

Better Work Việt Nam là một chương trình hợp tác đặc biệt giữa ILO và Tổ chức Tài Chính Quốc tế (IFC), thành viên của World Bank Group, với mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc và thúc đẩy năng lực cạnh tranh các các ngành xuất khẩu trọng điểm tại Việt Nam. Trong quá trình đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19, chương trình đã hướng ưu tiên lớn hơn tới bình đẳng giới, do nhận thấy những tác động về sức khỏe, khối lượng công việc chăm sóc, cũng như về phân biệt đối xử đối với phụ nữ nghiêm trọng hơn nhiều so với nam giới.

Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Better Work Việt Nam đã làm việc chặt chẽ với các nhà máy tham gia chương trình để giảm thiểu những yếu tố phân biệt đối xử về giới, xây dựng hướng dẫn nhấn mạnh tới các khía cạnh giới để hỗ trợ các nhà máy giải quyết ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng và an toàn vệ sinh lao động. Vào năm 2020, giữa những làn sóng COVID-19 đầu tiên, trong khuôn khổ hợp tác với IFC, Better Work Việt Nam đã khởi động dự án GEAR (Bình đẳng giới và Giá trị mang lại) để giúp các nhà máy cải thiện năng suất các dây chuyền sản xuất bằng cách trang bị cho nữ công nhân các kỹ năng cần thiết để trở thành chuyền trưởng. Trong giai đoạn 2020-2021, 80% các nhà máy tham gia dự án GEAR đã ghi nhận tỷ lệ hiệu quả tăng lên ở các dây chuyền do học viên GEAR giám sát.

“Những minh chứng rõ ràng cho thấy việc trao quyền cho lao động nữ thúc đẩy và đảm bảo tuân thủ pháp luật, gia tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, thúc đẩy đối thoại, cải thiện sức khỏe và mục tiêu học tập, đào tạo cho người lao động và gia đình của họ” - ông Dan Rees, Giám đốc chương trình Better Work toàn cầu, cho biết - “Khi lao động nữ có tiếng nói trong quá trình đối thoại tại nơi làm việc, tỷ lệ tuân thủ pháp luật cao hơn và điều kiện làm việc trở nên tốt hơn. Khi không còn quấy rối và lạm dụng trong môi trường làm việc, người lao động được hưởng mức độ an sinh cao hơn, còn nhà máy được tăng lợi nhuận”.

Qua câu chuyện của Chương trình Better Work Việt Nam có thể thấy, việc xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được phân tích và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể, đi kèm với những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm đến quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực việc làm. Đây cũng chính là vấn đề cần phải giải quyết trước nhất để giải quyết bài toán về bình đẳng giới trong cơ hội việc làm.

Thay đổi tư duy để thay đổi hành vi trên thị trường lao động

Phụ nữ Việt Nam, với tỷ lệ tham gia thị trường lao động cao đáng kể, vốn đã phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng kéo dài dai dẳng trên thị trường lao động và phải mang trên vai gánh nặng kép là vừa đi làm vừa cáng đáng trách nhiệm gia đình nặng nề hơn nhiều so với nam giới.

Thời điểm năm 2020, nhận xét về căn nguyên của bất bình đẳng trên thị trường lao động, Tiến sỹ Chang-Hee Lee, nguyên Giám đốc ILO Việt Nam đã từng nói: “Căn nguyên của bất bình đẳng trên thị trường lao động chính là những vai trò truyền thống mà phụ nữ được kỳ vọng phải đảm nhận và những kỳ vọng này được củng cố bằng các chuẩn mực xã hội. Mặc dù ở cấp độ chính sách, Bộ luật Lao động 2019 đã mở ra những cơ hội để thu hẹp khoảng cách giới, chẳng hạn như thu hẹp khoảng cách trong độ tuổi nghỉ hưu hay xóa bỏ việc hạn chế phụ nữ tham gia một số ngành nghề nhất định, Việt Nam vẫn còn một nhiệm vụ khó khăn hơn nữa cần phải hoàn thành. Đó là việc thay đổi tư duy của nam giới và của cả chính phụ nữ Việt Nam để từ đó thay đổi hành vi của họ trên thị trường lao động”.

Đọc thêm