Hội thảo góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

(PLVN) -Ngày 10/5, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo lấy kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).
Quang cảnh hội thảo góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Việt Nam hiện đang có 07 Bộ luật, Luật điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cùng nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đang tồn tại một số hạn chế như: thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện, phù hợp với NCTN; thiếu thiết chế, cơ chế đặc thù riêng biệt để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NCTN; các quy định về giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng đối với NCTN còn chưa đa dạng, hiệu quả chưa cao...

Từ thực tiễn nêu trên, dự thảo Luật Tư pháp NCTN được xây dựng với kết cấu gồm 168 điều được bố cục thành 05 phần, 12 chương, điều chỉnh toàn bộ, đầy đủ lĩnh vực tư pháp hình sự đối với NCTN gồm những nội dung trọng tâm: Phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN; Xử lý chuyển hướng đối với NCTN; Hình phạt và thủ tục tố tụng đối với NCTN; Thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; Các điều khoản thi hành.

Tại hội thảo, đã có 5 tham luận được trình bày, các tham luận đã nêu bật được sự cần thiết phải ban hành Luật và chỉ rõ pháp luật đang tồn tại nhiều hạn chế. Do đó, Luật chưa thực sự thân thiện, phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của NCTN. Các biện pháp giám sát, giáo dục để thay thế hình phạt còn thiếu, ít được áp dụng; cam kết trong điều ước quốc tế chưa được nội lực hóa đầy đủ.

Đại diện TAND tỉnh Thừa Thiên Huế góp ý tại hội thảo.

Đơn cử như trong tham luận “Hoàn thiện chế định xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội”, ông Bùi Văn Thanh -Phó Chánh TAND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Việt Nam hiện đang có 03 Bộ Luật, Luật (Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và Luật thi hành án hình sự) điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với NCTN và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đang tồn tại một số hạn chế như: thủ tục tố tụng hình sự hiện hành vốn được thiết kế dành cho người trưởng thành và có điều chỉnh một số quy định để giải quyết vấn đề liên quan đến NCTN, dẫn đến các thủ tục chưa thực sự thân thiện, phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của NCTN.

Pháp luật Việt Nam quy định hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước do tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ, hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó. Trong khi đó, NCTN chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất khi tham gia vào các quan hệ xã hội...Do đó việc bảo vệ NCTN, chủ nhân tương lai của đất nước cần có cách tiếp cận riêng biệt, có cơ chế pháp lý đặc thù thông qua một đạo luật chuyên biệt quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề về tư pháp hình sự đối với NCTN...

Để nâng cao chất lượng dự thảo Luật cũng như đảm bảo tính đồng thuận xã hội, các đại biểu đại biểu đã tập trung lấy ý kiến vào những nội dung như: quy trình xử lý chuyển hướng, thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hình phạt áp dụng đối với NCTN. Theo các đại biểu, dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em. Các quy định trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, bảo đảm tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành.

Việc đổi mới, cải cách chính sách pháp luật về tư pháp hình sự áp dụng đối với NCTN sẽ tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ NCTN phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi bằng việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.

Qua đó, sẽ hoàn thiện chế định hình phạt đủ nghiêm khắc nhưng bảo đảm tính nhân văn đối với NCTN phạm tội; bảo đảm, bảo vệ các quyền cơ bản của NCTN trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp với thủ tục đơn giản, phù hợp cho NCTN.

Sau buổi hội thảo, Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế sẽ tổng hợp toàn bộ các tham luận, ý kiến đã trình bày, đóng góp để gửi đến cơ quan chủ trì tại địa phương và Trung ương, đảm bảo thời gian quy định.

Đọc thêm