Theo dự thảo, hàng hóa của Việt Nam gồm hàng thuần túy sản xuất trong nước (khoáng sản, cây trồng, vật nuôi...) và hàng hóa không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Trường hợp hàng có xuất xứ không thuần túy được xác định dựa trên các tiêu chí về chuyển đổi mã số hàng hóa (mã HS), hoặc hàm lượng giá trị gia tăng dựa trên các yếu tố như nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí nhân công, chi phí nhà xưởng...
Một cán bộ Bộ Công Thương cho rằng những quy định “thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam” nêu tại dự thảo này “sẽ là chuẩn mực để DN có thể soi vào đánh giá với hàm lượng, quy trình sản xuất, tự tin dán nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam hay chưa”.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương rà soát lại bản dự thảo tại Thông tư này với Nghị định 31, Thông tư về ghi nhãn hàng hoá đã có trước đây, tránh sự trùng lắp, hay sao chép. Đại diện Bộ Tư pháp dẫn chứng, một số nội dung tại dự thảo Thông tư chỉ giải thích lại, hoặc thay thế từ ngữ so với quy định đã nêu tại Nghị định 31/2018. Ví dụ Điều 8 dự thảo Thông tư có nội dung tương tự Điều 7 Nghị định 31, chỉ thay thế cụm từ “nước”, “nhóm nước”... thành “Việt Nam”.
“Thay vì thế, cơ quan chủ trì soạn thảo nên làm rõ hơn về các trường hợp được liệt kê tại điều này”, đại diện Bộ Tư pháp nói.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến của các DN, hiệp hội băn khoăn rằng Thông tư quy định tỷ lệ giá trị gia tăng 30% trở nên mới được coi là hàng hóa Việt Nam. Với những loại hàng hóa giá trị gia tăng dưới 30% sẽ thể hiện xuất xứ ra sao trên hàng hóa? Giá trị gia tăng 30% có phù hợp với thông lệ quốc tế không?
“Để sản xuất các mặt hàng khoáng sản như nam châm, đất hiếm thì đây là công đoạn yêu cầu công nghệ rất cao, được Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu nguyên liệu về và gia công trong nước và tỷ lệ giá trị gia tăng dưới 30% thì ghi trên nhãn hàng hóa như thế nào?”, đại diện Bộ KH&ĐT đặt vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh giải thích, tỷ lệ giá trị gia tăng 30% là “quy định chung của nhiều quốc gia, nên không lý gì Bộ đòi hỏi quy định cao hơn”. Trường hợp hàng hóa có giá trị gia tăng nhỏ hơn 30%, ông Khánh nói: “Không thể ghi là sản phẩm, hàng hóa Việt Nam”.