Ngày 15/4, Trường ĐH Gia Định (GDU) cùng Viện nghiên cứu Pháp luật và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số”.
Dự Hội thảo có PGS-TS. Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường GDU; GS-TS. Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và Xã hội; PGS-TS. Lê Bộ Lĩnh, Chủ tịch HĐQL Viện nghiên cứu Chiến lược kinh tế. Ngoài ra còn có đông đảo khách mời là các đại biểu cấp cao, chuyên gia đầu ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (thuộc Quốc hội); các thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, giảng viên, sinh viên và chuyên gia pháp lý…
Phát biểu tại Hội thảo, PGS-TS Thái Bá Cần cho biết: Trong bối cảnh kinh tế số đang thay đổi diện mạo của xã hội, Trường nhận thức rõ vai trò của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đóng góp vào việc xây dựng khung pháp lý phù hợp.
Hội thảo lần này không chỉ là diễn đàn để các chuyên gia chia sẻ kiến thức mà còn tạo cơ hội giúp sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên nhà trường tiếp cận những vấn đề thực tiễn, từ đó có định hướng nghiên cứu, học tập hiệu quả hơn”.
GS-TS. Phan Trung Lý cũng nhấn mạnh, phát triển kinh tế số không chỉ là một định hướng chiến lược mà còn là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn phát triển và từ khát vọng vươn mình mạnh mẽ của dân tộc trong thời đại mới.
Trên tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cùng các chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định vai trò trung tâm của thể chế trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số và coi đây là “ngành kinh tế mũi nhọn”, “trụ cột phát triển” trong thời đại mới…
Tổng Bí thư Tô Lâm từng chỉ rõ: “Không phát triển được kinh tế số thì không thể có nền kinh tế hiện đại. Không có thể chế tốt thì không có nền kinh tế số bền vững. Phát triển kinh tế số là con đường tất yếu để Việt Nam bứt phá, nâng tầm và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
![]() |
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số”. |
Từ năm 2022 đến nay, Việt Nam có hơn 70 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Điều này cho thấy nền kinh tế số đang bước vào giai đoạn bùng nổ, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó pháp luật phải đi kịp để điều chỉnh các quan hệ pháp lý mới phát sinh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều khoảng trống, chưa theo kịp tốc độ đổi mới, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với bối cảnh thời đại.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung phân tích nhiều chuyên đề quan trọng, bao gồm: Những vấn đề pháp lý về bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển kinh tế số; Những vấn đề pháp lý về kiểm duyệt nội dung thông tin trên môi trường mạng; Những vấn đề pháp lý về bảo vệ dữ liệu người dùng; Góp ý dự thảo Luật Khoa học - Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số...
![]() |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. |
PGS-TS Thái Bá Cần cho biết, Hội thảo không chỉ là diễn đàn chia sẻ kiến thức học thuật mà còn mang ý nghĩa thực tiễn. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo là tạo là vô cùng quý giá, góp phần định hình khung pháp lý cho nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam...
Nhiều năm qua, GDU không chỉ chú trọng đào tạo mà còn khuyến khích đội ngũ giảng viên, cán bộ nhân viên tích cực nghiên cứu, đưa ra những kiến nghị pháp lý giá trị cho các vấn đề mới trong từng lĩnh vực.
Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên phối hợp tổ chức hàng loạt sự kiện hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của đông đảo chuyên gia pháp lý nhằm trao đổi, thảo luận về lĩnh vực pháp lý, điển hình như: Luật sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, giao dịch điện tử, quản lý dữ liệu số...
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số” là một ví dụ điển hình, thể hiện sự nỗ lực của nhà trường trong việc gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tiễn đời sống - kinh tế - xã hội.
Hiện nay, GDU hiện đang đào tạo 54 ngành/chuyên ngành, trong đó có cả ngành Luật - Luật Kinh tế. Đây là các ngành học mũi nhọn, đón đầu xu hướng phát triển của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế.