Thể chế trong Kỷ nguyên mới

Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

(PLVN) - Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã và đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo ra một hệ thống pháp lý hiệu quả, công bằng và linh hoạt. Đây là hướng đi phù hợp với yêu cầu của đất nước và xu thế thời đại. Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra nhiều vấn đề để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Cần chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm doanh nghiệp có thể bảo vệ sáng tạo của mình và ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền lợi. (Ảnh minh họa)
Cần chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm doanh nghiệp có thể bảo vệ sáng tạo của mình và ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền lợi. (Ảnh minh họa)

Chặng đường gần 40 năm đổi mới đã ghi dấu một Việt Nam kiên cường, bứt phá và khát khao phát triển. Đất nước ta đã không ngừng bứt phá mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ 24 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP). Những thành tựu đạt được không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn bao gồm những tiến bộ to lớn về xã hội, góp phần mang lại đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Thành phần kinh tế tư nhân hiện nay vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, mà có thể kể đến là rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), ít chú trọng đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ hoặc sáng tạo sản phẩm mới nên rất khó nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, nâng tầm giá trị doanh nghiệp và vươn tới đẳng cấp quốc tế.

Ngoài những hạn chế nội tại, các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực. Một nguyên nhân “điểm nghẽn” là, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro.

Thực tiễn và tồn tại hiện nay trong quy định pháp luật

Nhìn từ khía cạnh pháp luật, có thể nhận thấy còn một số vấn đề còn tồn tại trong thực tiễn quy định pháp luật như sau:

Vấn đề thứ nhất, quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm là quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013 và được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, theo đó, cá nhân có quyền tự do kinh doanh trong tất cả các ngành nghề, trừ những ngành nghề mà pháp luật cấm. Đây vừa là chủ trương nhằm xây dựng một nền kinh tế thị trường, vừa là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh, tạo ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển bền vững của đất nước, được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương... và tiếp tục được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định trong bài viết của mình. Hiểu là như vậy, nhưng hiện nay để thực sự yên tâm trong thực hiện nguyên tắc trên, tổ chức, cá nhân đang gặp nhiều khó khăn khi một số quy định pháp luật không rõ hoặc thiếu chi tiết nếu chỉ dựa vào các quy định hiện hành để áp dụng nguyên tắc loại trừ và yên tâm thực hiện. Tức là, pháp luật chưa làm rõ “vùng cấm”, “vùng tuyệt đối” mà công dân không được làm, để có thể phát huy sự sáng tạo trong hoạt động kinh doanh của công dân.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và bảo đảm thực thi hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân. Liên quan đến vấn đề này, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu cần phải có “một hệ thống thực thi hợp đồng minh bạch, hiệu lực, hiệu quả....”.

Pháp luật đang thiếu quy định khung cho các lĩnh vực mới, thiếu tính “mở”, chưa phản ứng nhanh, kịp thời với những xu hướng mới trên toàn cầu, thiếu những quy định mang tính đặc thù, tính chiến lược cho việc thúc đẩy phát triển một ngành, lĩnh vực cụ thể (ví dụ như: hoạt động kinh doanh liên quan đến dữ liệu số, tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo, quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng hoặc các hình thức tín dụng vi mô; quy định về các ngành nghề kinh doanh có yếu tố môi trường...).

Trước tiên, nhìn nhận các nội dung liên quan đến thực thi hợp đồng minh bạch, hiệu lực, hiệu quả và giúp doanh nghiệp yên tâm trong giao dịch thương mại, đầu tư ở Việt Nam còn nhiều bất cập, liên quan đến luật dân sự. Đơn cử như vấn đề bảo đảm thực hiện hợp đồng quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 còn có điểm chưa rõ ràng, nhất là trường hợp công nhận và thực thi biện pháp bảo đảm hợp đồng. Các thủ tục hành chính liên quan đến việc thi hành hợp đồng hoặc thu hồi tài sản bảo đảm vẫn còn bất cập, nhất là khi tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc có giá trị lớn. Một số trường hợp, khó khăn trong việc xác định các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng (như việc xác định, kiểm tra năng lực pháp lý của các bên trong thực tế không phải lúc nào cũng rõ ràng... nguy cơ dẫn đến hợp đồng có thể bị coi là vô hiệu. Bộ luật Dân sự quy định chung về hợp đồng, nhưng các luật chuyên ngành như Bộ luật Lao động, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Kinh doanh bảo hiểm có những quy định khác theo đặc thù của từng loại hợp đồng, dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc mâu thuẫn trong việc áp dụng các quy định về hợp đồng...

Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nói riêng và các phương thức khác của ADR cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước với nhiều mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Luật Trọng tài Thương mại 2010 hiện nay có nhiều quy định vừa thiếu phù hợp với thực tiễn, vừa thiếu phù hợp với Luật mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại.

Đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ quyền tự do kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân

Từ tình hình thực tiễn nêu trên, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm kiến tạo một môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân theo những định hướng, gợi mở của đồng chí Tổng Bí thư như sau:

Thứ nhất, cần xác định tính nguyên tắc trong các Luật cần phải quy định rõ những điều cấm. Cái gì cấm thì quy định trong luật, cái gì không cấm thì tạo không gian cho đổi mới sáng tạo, từ đó tạo thuận lợi tối đa để giải phóng mọi nguồn lực của tư nhân. Để thực hiện được điều này cần rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành, loại bỏ những quy định không còn phù hợp. Cụ thể hóa các hành vi bị cấm hoặc bị hạn chế (kinh doanh có điều kiện) giúp cho các tổ chức, cá nhân nắm bắt rõ ranh giới pháp lý để loại trừ những lĩnh vực bị cấm. Đối với các lĩnh vực như khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, công nghệ mới (AI, blockchain, v.v.) cần có những quy định pháp lý linh hoạt để khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, cần có một hệ thống pháp lý bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp minh bạch và công bằng. Chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền và kiểu dáng công nghiệp thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm doanh nghiệp có thể bảo vệ sáng tạo của mình và ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền lợi. Đồng thời, cần hoàn thiện pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, cân bằng giữa các bên trong các hợp đồng kinh tế. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự, làm rõ khái niệm hợp đồng, đặc biệt trong giao dịch thương mại quốc tế; bổ sung nguyên tắc bảo vệ các bên yếu thế trong hợp đồng, tránh các trường hợp ép buộc ký kết hợp đồng hoặc không công bằng trong giao dịch; quy định chi tiết hơn về năng lực pháp lý của các bên tham gia hợp đồng, nhất là đối với các tổ chức, doanh nghiệp, các bên yếu thế trong hợp đồng... Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế trọng tài, trước hết hướng đến sửa đổi Luật Trọng tài thương mại năm 2010, pháp luật về hòa giải thương mại và các luật liên quan như Luật Thi hành án dân sự, Luật Giám định tư pháp, Luật Thương mại và một số luật chuyên ngành khác; nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án đối với các vụ việc nhỏ phát sinh từ các vấn đề dân sự nhằm bảo đảm quyền lợi của bên yếu thế trong giao dịch dân sự.

Thứ ba, cần xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể đối với các trường đại học, các cơ sở đào tạo việc làm nhằm phát triển nguồn nhân lực cho khối kinh tế tư nhân. Có những chính sách thuế công bằng, khuyến khích đầu tư và phát triển và quy định về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp mới thành lập hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa cần rõ ràng và dễ tiếp cận. Có những chính sách đặc thù theo vùng để hỗ trợ phát triển kinh tế đặc sắc địa phương, có tính định hướng, dẫn dắt hỗ trợ cho những làng nghề truyền thống, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao. Kịp thời cập nhật các chính sách về lao động để cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Cần có chính sách thử nghiệm pháp lý cho các công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới trong một khuôn khổ pháp lý tạm thời, giúp các tổ chức, cá nhân có thể thử nghiệm mà không lo ngại bị xử phạt vì vi phạm quy định (nhất là trong các lĩnh vực có sự đổi mới nhanh chóng như công nghệ tài chính (fintech), bảo hiểm, ngân hàng, các ngành công nghiệp sáng tạo khác). Đưa vào quy định pháp luật hành chính nguyên tắc “không cản trở những gì quy định pháp luật không cấm”.

Đọc thêm