Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong giải quyết tranh chấp: Con đường tương lai

(PLVN) - Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu mà còn có sự tác động lớn và ngày càng càng trở thành xu hướng tất yếu đối với các lĩnh vực Kinh tế - Chính trị - Xã hội của các nước trên thế giới. Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, việc đưa vào sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của cơ quan giải quyết tranh chấp.
(Nguồn: Internet)
(Nguồn: Internet)

Hiện nay, giải quyết tranh chấp trực tuyến hay ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp đã và đang tiếp tục là xu hướng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia” là chủ trương được Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ.

Trong lĩnh vực tư pháp, hệ thống Tòa án hiện đã và đang là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện chủ trương trên và bước đầu đã tạo dựng được những nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng Tòa án điện tử. Từ những thành tựu bước đầu này, Tòa án sẽ tiếp tục lộ trình chuyển đổi số trong hệ thống tòa án, tập trung ba chiến lược mũi nhọn gồm: Nâng cấp và hoàn thiện phần mềm quản lý các loại vụ án về phần mềm quản trị hệ thống khác phục vụ giám sát và điều hành hoạt động; Hoàn thiện thể chế tố tụng tư pháp điện tử, nâng cấp hạ tầng công nghệ phục vụ xét xử trực tuyến; Ưng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ Thẩm phán trong công tác chuyên môn.

Bên cạnh Tòa án, hoạt động chuyển đổi số cũng được triển khai mạnh mẽ tại các tổ chức cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tư thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR). Là tổ chức cung cấp các phương thức bổ trợ tư pháp – giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, hòa giải và các phương thức khác theo quy định pháp luật, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) luôn đặt trọng tâm và dành nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu cải tiến quy trình giải quyết tranh chấp tại Trung tâm.

Ngay từ đầu năm 2018, VIAC đã thực hiện nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ hoạt động chuyển đổi số của Tòa án cũng như kinh nghiệm từ quốc tế và bước đầu hình thành rõ nét ý tưởng về việc xây dựng một nền tảng trực tuyến giúp Hội đồng trọng tài, ban thư ký, các bên tranh chấp và chủ thể liên quan trong một thủ tục trọng tài có thể quản lý một cách hệ thống và hiệu quả các vụ tranh chấp.

Theo đó, với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), VIAC đã phát triển Nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến – một nền tảng được trang bị nhiều tính năng nhằm giúp trải nghiệm tố tụng trọng tài trở nên linh hoạt và thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp đồng thời nâng cao tính hiệu quả của một phương thức hỗ trợ cho hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Thêm vào đó, việc cung cấp thêm cách thức tham gia tố tụng trọng tài trực tuyến bên cạnh cách thức truyền thống sẽ góp phần hưởng ứng các chiến dịch phát triển xanh và bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng của carbon đối với môi trường thông qua việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng giấy trong quá trình giải quyết tranh chấp; từ đó, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và giảm thiểu rác thải giấy và hạn chế tác động của khí thải nhà kính.

(Nguồn: do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cung cấp)

(Nguồn: do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cung cấp)

Tiếp đó, dựa trên bước đầu xây dựng và thành hình nền tảng nêu trên, VIAC sẽ tiếp tục phát triển và đưa vào nhiều cải tiến, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong thời gian tới để nâng cấp hệ thống nhằm tiếp tục tăng cường tính hiệu quả trong giải quyết tranh chấp cũng như mang lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng. Để làm được những điều này, bên cạnh nỗ lực về mặt cải tiến trong thủ tục tố tụng và hạ tầng kỹ thuật, sự đóng góp và hỗ trợ của khung pháp lý liên quan là vô cùng quan trọng. Bên cạnh các quy định điều chỉnh trực tiếp hoạt động trọng tài, từ kinh nghiệm quốc tế, một số khía cạnh pháp lý khác đặc ra từ việc giải quyết tranh chấp trực tuyến cần được xem xét bao gồm: Hợp đồng điện tử, hợp đồng thông minh, Chứng cứ điện tử, Chữ ký số, giá trị pháp lý của kết quả giải quyết tranh chấp như Phán quyết Trọng tài, Văn bản về Kết quả Hòa giải thành hay quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan trong triển khai giải quyết tranh chấp trực tuyến v.v.

(Nguồn: Internet)

(Nguồn: Internet)

Có thể nói, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ trong giải quyết tranh chấp, xu hướng giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution – ODR) hoặc ứng dụng công nghệ vào một phần quy trình giải quyết tranh chấp ngày càng chứng minh được những ưu điểm và tính hiệu quả của hình thức này tại các nước có nền trọng tài phát triển trên thế giới. Tại Việt Nam, cùng với đề án chuyển đổi số mà Tòa án triển khai, nhiều đơn vị có hoạt động trong lĩnh vực pháp luật nói chung và giải quyết tranh chấp ngoài tòa án nói riêng cũng đã tích cực nghiên cứu và đầu tư nguồn lực để thực thi chuyển đổi số, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Trong những năm qua, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua sáng kiến toàn cầu INVEST, đã và đang hợp tác với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) để cải thiện hệ sinh thái cung cấp và thúc đẩy các phương thức Giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolution – ADR) tại Việt Nam. Dự án phối hợp giữa hai bên đã và đang triển khai các hoạt động trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế dành cho các lãnh đạo, cán bộ ngành tư pháp và các đối tượng liên quan ở cấp trung ương và địa phương, trong đó bao gồm Thẩm phán, Thư ký tòa án và Trọng tài viên; đồng thời, nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích của ADR và cải thiện hạ tầng kỹ thuật số để triển khai cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến nhằm thúc đẩy hơn nữa tính hiệu quả và linh hoạt của trọng tài và các phương thức ADR khác.

Thương mại và Đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp và trọng tài

Trong những năm gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã và đang tiếp tục vươn rộng ra thị trường quốc tế trong một số lĩnh vực chủ lực và tiềm năng như hợp tác công – tư, xây dựng, bất động sản và năng lượng tái tạo.

Với mong muốn tạo ra một diễn đàn trao đổi thông tin bổ ích, tập trung thảo luận và giải quyết những mối lo ngại của nhà đầu tư và doanh nghiệp về thị trường Việt Nam đồng thời thúc đẩy việc sử dụng trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư xuyên biên giới, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức chuỗi sự kiện mang tên VIAC SYMPOSIUM 2024. Chương trình sẽ diễn ra trong hai ngày 26 & 27/06/2024 tại Hà Nội. Mọi thông tin chi tiết, vui lòng truy cập https://www.viacsymposium.vn.

VIAC SYMPOSIUM 2024 sẽ xoay quanh chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế bất ổn: Tranh chấp và Trọng tài”, theo đó các phiên thảo luận sẽ tập trung xem xét, đánh giá về những biến động kinh tế hiện nay cũng như trao đổi về các biện pháp thích hợp để vượt qua những trở ngại đó. Một trong những nội dung trọng tài của VIAC SYMPOSIUM 2024 là sự ra mắt chính thức của Nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến vào ngày 26/06/2024.