Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật hành chính - nhà nước Nguyễn Thị Thuỷ nêu rõ, hội thảo là diễn đàn trao đổi để các nhà khoa học trong khoa Pháp luật hành chính - nhà nước và các chuyên gia đưa ra ý kiến, quan điểm góp ý về những vấn đề quản trị quốc gia, cũng như việc thực hiện chức năng của nhà nước trong quản trị quốc gia.
Tại hội thảo, các tham luận, ý kiến phát biểu của đại biểu đã tiếp cận chủ đề hội thảo từ nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó tập trung bàn luận vào các nội dung chính bao gồm: Chức năng nhà nước trong điều kiện đổi mới quản trị quốc gia; nguyên tắc và phương thức thực hiện chức năng nhà nước trong quản trị quốc gia; xác định và thực hiện chức năng nhà nước trong điều kiện quản trị quốc gia ở Việt Nam hiện nay; quản trị quốc gia và việc thực hiện chức năng bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam hiện nay…
Quang cảnh hội thảo. |
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Thái, giảng viên Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra nhận xét, đánh giá về những quan niệm cụ thể giữa quản trị quốc gia và quản lý quốc gia. Theo ông, có nhiều văn bản nước ngoài nhắc đến thuật ngữ này nhưng khi phiên dịch tiếng Việt có một số biến đổi và yếu tố đúng sai phụ thuộc vào vấn đề văn hoá riêng biệt của mỗi quốc gia.
Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, giảng viên Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, đã đến lúc chúng ta cần phải bàn luận lại với nhau về những thuận ngữ lý luận từ trước đến nay, phải xét đến tính phù hợp trong thời đại mới, từ đó đổi mới về cách nhìn.
Đánh giá về các quan niệm của quản trị quốc gia, một số đại biểu tham dự hội thảo cũng chỉ rõ đây là thuật ngữ mới, cần có cách sử dụng để phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên cũng như tác động trong bối cảnh mới hiện nay. Hơn nữa, có quan điểm cho rằng, việc thực hiện chức năng nhà nước cũng phải có sự đổi mới để phù hợp với quản trị quốc gia. Đó là sự chia sẻ quyền lực của nhà nước; tận dụng triệt để các tài nguyên, nguồn lực xã hội để thực hiện việc quản trị bằng những chính sách, định hướng; cần đảm bảo tính minh bạch và sự tham gia của người dân và xã hội. Đồng thời, chúng ta cũng cần ghi nhận những giá trị lịch sử trong nghiên cứu về nhà nước và pháp luật để có thể tiếp thu những kinh nghiệm quý báu trong vấn đề quản trị quốc gia hiện nay.
Thông qua hội thảo, Khoa Pháp luật hành chính - nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ chắt lọc ý kiến tham luận, góp ý để hoàn thành những nghiên cứu lý luận chuyên sâu về chủ đề liên quan đến quản trị quốc gia và việc thực hiện chức năng nhà nước trong bối cảnh mới.