Đoàn công tác của Bộ Tư pháp về nguồn, thăm Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

(PLVN) - Ngày 26/4, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Tây Ninh và nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp gồm đại diện Bộ Tư pháp, Học Viện tư pháp cơ sở 2, ĐH Luật Hà Nội do đồng chí Phan Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp dẫn đầu, đã đến thăm Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp trước nhà của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Đoàn công tác của Bộ Tư pháp trước nhà của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Trong chuyến đi, Đoàn đến dâng hương, dâng hoa, dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các vị lãnh đạo tiền bối, cán bộ, chiến sĩ ở Trung ương Cục miền Nam. Tiếp đó, Đoàn ghé thăm nhiều địa điểm trong các phân khu tại Khu Di tích như: Khu di tích lịch sử, Khu tưởng niệm và Khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch.

Nhà của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Nhà của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Trong Khu căn cứ có hệ thống liên hoàn các hầm, giao thông hào, nhà ở và làm việc của các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục. Những ngôi nhà ở đây được dựng bằng tre và hoành tử - một loại cây nhỏ mọc nhiều ở Đông Nam Bộ. Mái được lợp bằng lá trung quân ít bắt lửa nhằm hạn chế thiệt hại do bom đạn gây ra. Cạnh nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo có hầm chữ A, được kè chống khá kiên cố. Các hầm này được nối với nhau bởi hệ thống hầm trú ẩn, giao thông hào liên hoàn dài hàng chục cây số, đan xen như mạng nhện giữa rừng già…

Đoàn công tác ghé thăm một điểm trong các phân khu Khu Di tích.

Đoàn công tác ghé thăm một điểm trong các phân khu Khu Di tích.

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta (1945 – 1975), miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược rất quan trọng -.với địa hình núi rừng trải rộng nối liền Tây Nguyên, cực Nam Trung Bộ tiếp giáp với đồng bằng Tây Nam Bộ, đặc biệt là nhân dân các dân tộc có truyền thống yêu nước. Đó là điều kiện để Đảng ta chỉ đạo hình thành nhiều căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ địa liên hoàn, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Đường hầm trong Khu Di tích.

Đường hầm trong Khu Di tích.

Ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam. Lễ ra mắt được tổ chức long trọng tại Suối Nhung – Mã Đà – Chiến khu Đ. Tại khu rừng thiêng liêng ấy, những người con ưu tú của dân tộc như các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng, Phan Văn Đáng, Võ Chí Công... đã sống, chiến đấu và đưa ra những quyết sách mang tính sống còn cho vận mệnh dân tộc.

Năm 1990, Di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Đoàn tham quan các vật dụng được trưng bày trong Khu Di tích.

Đoàn tham quan các vật dụng được trưng bày trong Khu Di tích.

Hành trình về nguồn thăm Khu căn cứ lịch sử đã giúp các thành viên Đoàn cảm nhận sâu sắc hơn về những năm tháng chiến tranh ác liệt, hiểu hơn những đóng góp của các thế hệ cách mạng, họ sống và chiến đấu với lòng quả cảm đáng khâm phục và tấm gương để thế hệ sau tiếp bước, noi theo. Điều này như một lời nhắc nhở mỗi người phải tiếp tục học tập, rèn luyện và tu dưỡng, giữ vững phẩm chất, lý tưởng cách mạng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm