Hội thảo khoa học quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”

(PLVN) - Sáng 15/10, tại Hưng Yên đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”. Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có: Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phan Chí Hiếu; Phó Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - ông Lê Văn Lợi.

Hội thảo có sự tham dự của hàng trăm đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương...

Hội thảo Khoa học đã thu hút hàng trăm Đại biểu đến tham dự.

Hội thảo Khoa học đã thu hút hàng trăm Đại biểu đến tham dự.

Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, GS.TS Tô Lâm đã có thư gửi Hội thảo.

Khai mạc Hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng đã có bài phát biểu đề dẫn, nhấn mạnh yêu cầu của Hội thảo lần này là tập trung phân tích làm rõ một số nội dung: Cơ sở lý luận, thực tiễn, tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người; phát huy vai trò, giá trị của quyền con trong hiện thực hóa quan điểm; cách tiếp cận con người là trung tâm, phát triển toàn diện con người hiện nay; Từ thực tiễn hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ/ngành ở Trung ương và các địa phương, tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm; vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới…

Ông cũng đề nghị các đại biểu tham dự phân tích sâu sắc hơn những cách tiếp cận mới của thế giới, kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển con người, thực thi quyền phát triển, các cơ chế mới và các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tham gia của người dân và quyền được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt để phát huy được sức mạnh của yếu tố con người tạo ra được động lực thúc đẩy phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn mới; Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn mới, đề xuất giải pháp, kiến nghị để thực hiện hiệu quả quan điểm, cách tiếp cận con người, quyền con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam…

Hội thảo có 2 phiên gồm phiên tham luận, phát biểu và phiên thảo luận bàn tròn.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí Thư Tỉnh uỷ Hưng yên phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí Thư Tỉnh uỷ Hưng yên phát biểu tại Hội thảo.

Phát huy tối đa quyền con người, lấy con người là trung tâm

Theo thông tin tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 75 tham luận của các nhà khoa học, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương. Các tham luận và nhiều ý kiến trình bày tại Hội thảo đã đi sâu làm rõ những vấn đề lý luận về quan điểm, cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước; quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng cộng sản Việt Nam; cách tiếp cận của Liên hợp quốc tế và kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt, các tham luận và ý kiến trình bày đã có những đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực phát triển con người Việt Nam; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kết quả thể chế hóa quan điểm lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước trong đó có minh chứng sinh động nhất là từ thực tiễn công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện thể chế về quyền con người; lấy con người là trung tâm trong hoạch định chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; phát huy giá trị quyền con người trong hoạch định chính sách an ninh con người gắn với xây dựng thế trận lòng dân và bảo vệ an ninh quốc gia; bảo đảm quyền tham gia của người dân và quyền được hưởng thụ thành quả trong hoạch định chính sách quốc phòng, giữ vững ổn định đất nước. ..

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.

Tại Phiên 1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã có bài tham luận về một số vấn đề lý luận và thực tiễn, quan điểm, cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước – kinh nghiệm thực tiễn xây dựng pháp luật…

Thứ trưởng Khánh Ngọc chia sẻ, trong quá trình phát triển của đất nước, thông qua thực tiễn và lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về vấn đề quyền con người, từng bước đề cập ngày càng rõ, đầy đủ, toàn diện hơn.

Gần đây, Nghị quyết số 27- NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng Khoá XIII đã tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh quan điểm “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước” để đặt ra một trong các mục tiêu cơ bản đến năm 2030 là “Hoàn thiện cơ bản các cơ chế đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân”…

Như vậy, có thể thấy định hướng, quan điểm của Đảng về lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước là khá rõ ràng, thể hiện ngay trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được khẳng định ngày càng đậm nét, đầy đủ và sâu sắc hơn trong các Nghị quyết của Đảng.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng cho biết, việc lấy con người và các quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước được đặt ra ngay trong quy trình xây dựng pháp luật. Từ việc có yêu cầu tổng kết thực tiễn của đất nước, các vấn đề của người dân cần giải quyết nắm chắc các quan điểm, định hướng của Đảng để thể chế hoá kịp thời, nghiên cứu tham khảo có chọn lọc, kinh nghiệm quốc tế cho tới các bước của quy trình xây dựng pháp luật đều hướng tới dân chủ, minh bạch.

Đặc biệt là phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, tạo điều kiện để người dân tham gia trực tiếp vào xây dựng pháp luật, việc cơ quan chủ trì xây dựng pháp luật tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân đều phải được phản ánh trong hồ sơ xây dựng pháp luật. Chính vì vậy, thực tiễn xây dựng pháp luật của Việt Nam đã từng bước thể chế được các định hướng của Đảng lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước…

Khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, rất cần hoàn thiện thể chế phát triển, khuyến khích sáng tạo, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực phát triển, hiện thực hoá mục tiêu 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập đất nước. Đây cũng là thời điểm thích hợp đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để hướng tới con người với các quyền vốn có của mình được tốt hơn theo đúng Nghị quyết số 27 và Hiến pháp năm 2013…

Các diễn giả đã thẳng thắn, chia sẻ đóng góp nhiều ý kiến tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nêu ý kiến, thảo luận bàn tròn đề cập cụ thể hơn quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, vận dụng vào quá trình hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực cụ thể như bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện quyền khám bệnh, chữa bệnh, tiếp cận dịch vụ y tế; trong thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo, thực hiện quyền học tập, tiếp cận giáo dục công bằng, bình đẳng cho mọi người trong xã hội, nhất là những nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em vùng dân tộc thiểu số; trong thực hiện chính sách về nhà ở, thực hiện quyền có nơi ở, nhà ở tối thiểu, nhất là đối với những đối tượng dân nghèo, công nhân, thanh niên trong điều kiện giá cả vượt quá khả năng thu nhập trung bình của người dân.

Các diễn giả đã thẳng thắn bày tỏ, chia sẻ các quan điểm về lý luận và thực tiễn về quyền con người tại Hội thảo.

Các diễn giả đã thẳng thắn bày tỏ, chia sẻ các quan điểm về lý luận và thực tiễn về quyền con người tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận kinh nghiệm tại địa phương qua thực tiễn tỉnh Hưng Yên về những nỗ lực trong thực hiện quan điểm chăm lo cho con người, lấy con người, nhân dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực thông qua thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…

Từ những nghiên cứu công phu, tâm huyết, trong các tham luận gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò, giá trị của quyền con người trong việc hiện thực hóa quan điểm lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước nhằm khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Nhiều tham luận cho rằng để hiện thực hóa quan điểm lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước, cần phải có cách tiếp cận dựa trên quyền con người; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, coi quyền con người là công cụ, phương thức để đạt được mục tiêu lấy con người là trung tâm vì mọi chính sách phát triển suy cho cùng phải vì con người. Nhưng nếu không chú trọng thực hiện quyền con người, thì khó hiện thực hóa con người là trung tâm.
Do đó, vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay phải đặt quyền con người vào vị trí trung tâm trong hoạch định các chính sách phát triển, đề cao các giá trị cốt lõi của quyền con người, đó là bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử, tự do sáng tạo, tôn trọng phẩm giá; bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, là yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước.

Ý kiến tại Hội thảo không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người để đạt mục tiêu lấy con người là trung tâm, mà quyền con người còn là nền tảng, giá trị xuyên suốt để xây dựng ba trụ cột phát triển đất nước, đó là kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và nền dân chủ XHCN Việt Nam.

Do đó cần có sự thay đổi về tư duy thiết kế chính sách, thực hiện nguyên tắc trọng tâm là lấy con người làm trung tâm và cần có nhân lực để chuẩn bị cho cách làm này; đồng thời áp dụng phương pháp lấy con người, quyền con người là trung tâm cần được đưa vào các chính sách có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, không chỉ là ở cấp độ các chính sách lớn mà cần từng chính sách cụ thể tại cộng đồng dân cư, làng, xã, thôn, bản.

Các thiết kế chính sách lấy con người, quyền con người làm trung tâm cần được triển khai mạnh mẽ để vượt qua thách thức đối với sự phát triển bền vững đất nước như những thách thức giải quyết các vấn đề về môi trường, già hóa dân số... đang đe dọa đến hòa nhập xã hội của các nhóm yếu thế trong xã hội....

PGS.TS Nguyễn Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Lấy quyền con người làm trung tâm- quyết định sự thành công của chính sách pháp luật

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu bế mạc Hội thảo.

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, sau hơn 03 giờ làm việc nghiêm túc, hiệu quả với 02 phiên thảo luận sôi nổi, Hội thảo Khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước" đã hoàn thành Chương trình đề ra và đạt được nhiều kết quả cụ thể.

Chủ đề Hội thảo rất có ý nghĩa, thiết thực, nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội. Các bài viết đề cập đến các khía cạnh khác nhau về con người và quyền con người; các chủ trương của Đảng, Nhà nước ta coi con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển đất nước, mang đến nhiều góc nhìn lý luận, thực tiễn về vấn đề quan trọng này…

Hội thảo đã rất thành công, khẳng định việc lấy con người làm trung tâm trong quá trình phát triển là yếu tố quyết định sự thành công của các chính sách phát triển xã hội. Quyền con người được xác định là giá trị phổ quát và cao quý, kết tinh những giá trị của nền văn minh nhân loại. Đây không chỉ là mục tiêu của các chế độ chính trị mà còn là nền tảng cho sự tiến bộ của xã hội.

Đảng và Nhà nước ta luôn cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, xem đây là nền tảng phát triển bền vững quốc gia. Điều này được khẳng định, ghi nhận trong Hiến pháp, cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, các chế định điều chỉnh các lĩnh vực, quan hệ kinh tế, xã hội, trong đó đều nhấn mạnh việc bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân gắn với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế - xã hội như đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định[1]: Một trong những định hướng lớn của Việt Nam là “Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.”

Để có cái nhìn toàn diện về vai trò của con người trong phát triển đất nước, cần có cách tiếp cận đa chiều, liên ngành để hiểu và phát huy hết tiềm năng của con người. Sự phát triển của đất nước phải dựa trên sự phát triển toàn diện của con người, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến môi trường, đặt trong tổng thể các mối quan hệ để đảm bảo không bỏ sót các chính sách, không bỏ sót bất kỳ khía cạnh nào liên quan tới con người và quyền con người.

Phát triển con người không chỉ giới hạn ở khía cạnh kinh tế hay chính trị, mà phải bao trùm mọi lĩnh vực từ văn hóa, đạo đức đến sinh thái và công nghệ. Phát triển toàn diện không chỉ đảm bảo quyền con người mà còn đề cao phẩm chất và giá trị của con người trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Các bài viết, tham luận đều nhấn mạnh việc đặt con người và quyền con người là trung tâm của chiến lược phát triển, điều kiện tiên quyết để đạt được sự phát triển bền vững.

Hội thảo đã ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu, Ban tổ chức sẽ tiếp tục hoàn thiện một số công việc sau Hội thảo. Hội thảo hôm nay đã góp phần làm sáng rõ nhiều khía cạnh quan trọng liên quan đến việc lấy con người làm trung tâm của sự phát triển đất nước. Kết quả của Hội thảo là nền tảng để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, góp phần thiết thực xây dựng đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng…

Đọc thêm