Đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo có Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn. Cùng dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba cùng đông đảo các đại biểu là các chuyên gia pháp lý, nhà quản lý, các luật sư, luật gia, các nhà nghiên cứu, hoạt động thực tiễn.
Về phía Ban Tổ chức có GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển; TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; Nhà báo Trần Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc chúc mừng, Báo Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp và Tạp chí Pháp luật và Phát triển của Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề hết sức thú vị và có tính lý luận cao - nguyên tắc ‘lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’. Đây là nguyên tắc có thể được phân tích, mổ xẻ từ nhiều góc độ khác nhau, áp dụng cho nhiều lĩnh vực của cuộc sống và chủ đề được lựa chọn cho Hội thảo này hết sức có ý nghĩa đối với Việt Nam.
|
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc. (Ảnh: PV) |
Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội đã đưa vào giảng dạy nhiều năm bộ môn kinh tế luật để nêu về ý nghĩa, tầm quan trọng của thể chế đối với phát triển kinh tế bền vững. Chúng ta vẫn còn nhớ giải thưởng Nobel kinh tế năm 2024 cũng là một giải thưởng kinh tế đặc biệt khi những người được nhận giải thưởng đã chứng minh được sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và thể chế.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tạo lập một môi trường pháp lý công bằng, bền vững là yêu cầu cấp bách, nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ không chỉ là lẽ sống của mỗi người, mà còn là một cơ sở quan trọng để bảo đảm sự cân bằng giữa các bên liên quan từ nhà đầu tư đến Chính phủ/Nhà nước, xã hội, người dân cần được ghi nhận để phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc thể chế hóa nguyên tắc này trong pháp luật và tổ chức thi hành nguyên tắc là thách thức, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đây là lúc chúng ta cần pháp luật để bảo đảm công bằng, minh bạch và áp dụng thống nhất.
Trong những năm qua, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có hoàn thiện pháp luật, lĩnh vực pháp luật có sự thay đổi, bổ sung và hoàn thiện nhiều nhất có lẽ là lĩnh vực pháp luật kinh tế, kinh doanh. Điều này đem lại sự hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, với những số liệu, sự khẳng định từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ thực tiễn, có thể thấy vẫn còn một số vấn đề, tồn tại, hạn chế mà chúng ta cần khắc phục.
Theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, chủ đề của Hội thảo rất hay và có lẽ không khó để thảo luận vì bản thân nguyên tắc này có thể áp dụng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống nhưng sẽ rất khó khăn, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Có lẽ nguyên tắc này chưa được rõ ràng, minh định trong cả ba khâu quan trọng là trong xây dựng pháp luật, trong tổ chức thi hành pháp luật, trong giải quyết tranh chấp, chưa kể trong đầu tư trực tiếp thì các nguyên tắc tự do thoả thuận, tự do hợp đồng, tự do đưa ra các cam kết thì việc thực thi chúng làm cho nguyên tắc này càng khó xác định hơn, nhất là trong bối cảnh đầu tư nước ngoài đến từ nhiều nước khác nhau, nhiều nền văn hoá khác nhau.
Do đó, Hội thảo được ông Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao, tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, hoạt động thực tiễn cùng nhận diện, đánh giá đúng được nguyên tắc từ góc độ thể chế, làm cách nào để nguyên tắc này được quy định trong pháp luật để khi xảy ra tranh chấp có thể được áp dụng đúng. Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam hy vọng rằng những kết quả của Hội thảo luận sẽ là dấu ấn quan trọng, đưa ra được những đề xuất, kiến nghị cho việc hoàn thiện nguyên tắc này trong thời gian tới.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn. (Ảnh: PV) |
Phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cảm ơn Ban tổ chức đã lựa chọn Quảng Ninh làm địa điểm cho sự kiện. Cho rằng Hội thảo có cách tiếp cận rất mới, rất sáng tạo đối với nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, ông Phạm Đức Ấn khẳng định, nguyên tắc này càng trở nên hữu ích khi pháp luật sẽ không có quy định quá chi tiết và sẽ giành quyền cho địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Ông ví von, “vỗ tay thì phải có hai bàn tay”, trong quan hệ cũng phải có từ hai bên trở lên nên nguyên tắc này vô cùng quan trọng.
Với Quảng Ninh, quý I địa phương đã tăng trưởng 10,91%, đứng thứ 7 cả nước, đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhất là việc đánh thuế đối ứng của Hoa Kỳ có những ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh vì có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, có thể tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh hy vọng sẽ có nhiều hội thảo về công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế được tổ chức tại Quảng Ninh, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
|
TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam. |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho rằng, thời gian vừa qua, sự cải cách mạnh mẽ của thể chế đã góp phần rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Mặc dù vậy, thể chế vẫn đang là điểm nghẽn, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để trở thành “đột phá của đột phá” như yêu cầu của người đứng đầu Đảng ta.
Gần đây, tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5, năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã một lần nữa chia sẻ về nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ giữa người dân, doanh nghiệp, xã hội và Nhà nước. Trong quá trình phát triển, chúng ta không tránh khỏi những vấn đề cần giải quyết, những khó khăn và thách thức cần vượt qua. Điều quan trọng là cùng lắng nghe, cùng thấu hiểu, cùng chia sẻ, cùng hành động, có tầm nhìn chung và cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển với niềm vui, hạnh phúc và tự hào. Tinh thần càng ấy đang ngày lan tỏa sâu rộng trong quá trình phát triển đất nước, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và trong cuộc sống.
Trên cơ sở những chỉ đạo này và góp phần hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025, tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo, Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Pháp luật và Phát triển tổ chức Hội thảo quốc tế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Với sự tham gia của đông đảo các đại biểu, Tổng Biên tập mong muốn các ý kiến sẽ làm rõ, phân tích những điểm nghẽn trong thể chế liên quan đến nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp khoa học hoàn thiện nguyên tắc này.
Tổng Biên tập Vũ Hoài Nam cam kết Báo Pháp luật Việt Nam, với tư cách là cơ quan ngôn luận, sẽ nỗ lực truyền thông đến các cơ quan nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, góp phần thể chế nguyên tắc này trong hệ thống pháp luật.