Theo báo cáo tại cuộc họp, dự thảo Luật gồm 07 chương, 49 điều (giảm 01 điều so với Luật số 65/2025/QH15, trong đó giữ nguyên 09 điều, bỏ 03 điều; bổ sung mới 02 điều; sửa đổi, bổ sung 38 điều).
Để kịp thời tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo mô hình 02 cấp, dự thảo Luật tập trung vào 03 nội dung chính. Về đơn vị hành chính (ĐVHC) và mô hình chính quyền địa phương (CQĐP) 02 cấp: sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức ĐVHC và mô hình CQĐP 02 cấp phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, cụ thể là cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu ở hải đảo; đối với ĐVHC – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định.
Đô thị gồm có thành phố trực thuộc trung ương và phường; nông thôn gồm có tỉnh và xã; hải đảo có đặc khu. CQĐP cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND.
Về phân định thẩm quyền và cơ cấu tổ chức của CQĐP, đối với CQCP cấp tỉnh, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư… của địa phương.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại cuộc họp. |
Theo đó, CQĐP cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên xã, vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh.
Đối với CQĐP cấp xã: đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP cấp xã và nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP cấp huyện hiện nay; đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn, CQĐP cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho CQĐP cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản trị của cấp xã, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, CQĐP cấp xã được ban hành chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn như đối với cấp huyện hiện nay; CQĐP phường có nhiều thẩm quyền về quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị; CQĐP ở đặc khu được trao nhiều thẩm quyền tự chủ trong quản lý nhà nước ở khu vực hải đảo, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động ứng phó khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra nhằm bảo vệ chủ quyền đảo, phát triển kinh tế biển.
Về quy định tổ chức bộ máy của CQĐP cấp tỉnh và cấp xã, CQĐP cấp tỉnh cơ bản giữ như quy định hiện hành. Dự thảo Luật chỉ tăng số lượng thích hợp đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh và bổ sung quy định Uỷ viên của Ban của HĐND cấp tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định để kế thừa quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.
Đối với CQĐP cấp xã, dự thảo Luật quy định về cơ cấp tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phương, đặc khu) cơ bản thiết kế như đối với HĐND và UBND cấp huyện (trước khi giải thể) nhưng có quy mô nhỏ hơn. Theo đó, số lượng đại biểu HĐND cấp xã tối đa là 40 đại biểu (riêng đối với các xã do có vị trí biệt lập không tiến hành tổ chức lại nếu có quy mô dân số ít thì cơ bản giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành); HĐND cấp xã có 02 Ban; UBND cấp xã được tổ chức cơ quan chuyên môn với số lượng phù hợp.
Về thời hạn có hiệu lực và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến chuyển đổi mô hình tổ chức CQĐP từ 03 cấp sang 02 cấp, đề xuất Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025 (tuỳ thuộc vào hiệu lực của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013).
Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, nêu ý kiến tập trung vào một số vấn đề như nhất quán trong cách diễn đạt, sử dụng một số thuật ngữ; làm rõ vai trò của Chủ tịch UBND khi tiến tới mô hình tỉnh trưởng; thể chế hoá việc phân cấp, phân quyền; đảm bảo các chính sách áp dụng không chỉ phù hợp với nông thôn, đô thị và hải đảo mà còn phải phù hợp với miền núi và vùng cao; cần có tư duy đổi mới rõ ràng trong việc phân loại các ĐVHC; làm rõ cơ chế hoạt động của UBND, vai trò của HĐND…
![]() |
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận cuộc họp. |
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đãnhanh chóng điều chỉnh các quy định pháp luật để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp sửa đổi, bổ sung vàsẽ được ban hành trong thời gian tới. Về vấn đề phân cấp, phân quyền, Thứ trưởng cơ bản nhất trí với việc tăng cường phân cấp giữa Trung ương và địa phương, cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương, tránh tình trạng chồng chéo, nhằm tạo ra sự linh hoạt cần thiết, phù hợp với thực tế.
Thứ trưởng đồng tình với việc sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức ĐVHC và mô hình CQĐP 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức cấp huyện, nhằm phù hợp với đặc thù của đô thị, nông thôn, hải đảo và các đơn vị kinh tế đặc biệt. Cấp tỉnh sẽ tiếp tục giữ nguyên như quy định hiện hành, bao gồm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Một số ĐVHC cấp tỉnh có thể được sáp nhập để đảm bảo đạt tiêu chuẩn, đồng thời mở rộng không gian phát triển. Cấp xã cũng cần được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; rà soát kỹ lưỡng các quy định chuyển tiếp để xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo sự ổn định trong quản lý hành chính nhà nước…