Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật- Bộ Tư pháp, dữ liệu dân cư được xem là dữ liệu gốc là một trong các tài nguyên quan trọng nhất, giá trị nhất của một quốc gia khi tiến hành các hoạt động chuyển đổi số gắn với mọi hoạt động của người dân, lấy người dân làm trung tâm; được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai, thực hiện Đề án. Thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06 về “Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế xã hội”, trong năm 2022, với sự hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành trung ương đã thực hiện rà soát 2.734 VBQPPL. Trong đó, có 278 văn bản cần được sửa đổi, bổ sung.
Các văn bản được rà soát chủ yếu liên quan đến phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ công dân số. Tuy nhiên, việc rà soát trong năm 2022 mới chỉ là bước đầu chưa bao quát, đáp ứng được 05 nhóm mục tiêu của đề án 06. Vì vậy năm 2023, lãnh đạo Chính phủ đã giao Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL chủ trì tổ chức việc rà soát, cho ý kiến độc lập về kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương.
|
Ông Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo |
Theo đó, việc tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập và đề xuất giải pháp xử lý VBQPPL phục vụ triển khai Đề án đã được Tổ công tác triển khai khoa học, chặt chẽ cùng với sự tham gia tích, trách nhiệm của các bộ, ngành. Trong tháng 9/2023 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL đã tiến hành tổng hợp báo cáo kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương. Kết quả rà soát cho thấy, ở Trung ương có 20 cơ quan nhà nước có văn bản thuộc lĩnh vực quản lý cần phải rà soát, xử lý; ở địa phương, có 27 địa phương có văn bản do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành cần phải xử lý.
Cụ thể tổng số VBQPPL cần xử lý là 329 văn bản. Trong đó, VBQPPL ở trung ương là 234 văn bản; VBQPPL của 27 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 95 văn bản. Trong số đó đã có 55 văn bản đã được xử lý; và trên cơ sở kết quả rà soát, các cơ quan đã xác định lộ trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản trong giai đoạn 2023-2025.
Tuy nhiên đại diện Cục kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp cho rằng một số kết quả rà soát của các bộ, ngành chưa đảm bảo chi tiết, cụ thể nội dung quy định cần sửa đổi; một số phương án, giải pháp đề xuất xử lý đưa ra còn chung chung. Ví dụ như một số cơ quan đề xuất bổ sung phương thức thực hiện trên môi trường điện tử nhưng chưa có phương án tái cấu trúc quy trình; xác định các thông tin trong tờ khai, biểu mẫu không yêu cầu công dân phải cung cấp mà khai thác, sử dụng thông tin sẵn có tại Cơ sở dữ liệu nhưng chưa có phương án thay đổi biểu mẫu cách thức thực hiện; việc đơn giản thủ tục hành chính như giảm bớt quy trình, bỏ các thông tin không cần thiết còn chưa rõ ràng...
|
Đại diện Công an tỉnh phát biểu ý kiến tại hội thảo |
Ngoài ra, một số kết quả rà soát, kiến nghị xử lý không thuộc phạm vi văn bản cần rà soát hoặc chưa chính xác, hợp lý. Kết quả rà soát của địa phương đối với văn bản do HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành cho thấy còn chưa đầy đủ, thống nhất giữa các địa phương, nhất là những vấn đề có nội dung, tính chất tương tự.
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, công tác rà soát VBQPPL là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan quản lý Nhà nước. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện rà soát VBQPPL để triển khai Đề án 06 theo quy định. Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông, Công an tỉnh, các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát 682 VBQPPL còn hiệu lực đến ngày 22/3/2022 do HĐND, UBND tỉnh ban hành có liên quan đến định danh và xác thực điện tử hoặc có quy định về việc cấp các giấy tờ cá nhân, xác nhận thông tin cá nhân của công dân để phục vụ cho việc nghiên cứu tích hợp các thông tin liên quan trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID.
Qua rà soát có 29 văn bản liên quan, trong đó có 14 văn bản cần xử lý để đảm bảo phù hợp, thống nhất với các văn bản QPPL liên quan đến triển khai Đề án 06. Đến nay đã xử lý dứt điểm 06 văn bản. Các văn bản còn lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đang tiến hành tham mưu xử lý; trong đó có 06 Quyết định do UBND tỉnh ban hành liên quan đến Luật Giao dịch điện tử kiến nghị sẽ sửa đổi, bổ sung, thay thế sau khi Chính phủ và các bộ chuyên ngành sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc lĩnh vực này.
Tại hội thảo các đại biểu đã tham luận, thảo luận về một số vấn đề như: Quá trình thực hiện và một số vấn đề đặt ra trong việc rà soát VBQPPL phục vụ triển khai Đề án 06; Thực trạng quy định pháp luật và giải pháp để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; kết quả thực hiện rà soát VBQPPL về triển khai Đề án 06 tại Thừa Thiên Huế…
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Hoàng Xuân Hoan, Phó cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp ghi nhận kết quả đạt được trong thực hiện công tác rà soát và xử lý VBQPPL sau rà soát phục vụ triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo. “Kết quả của hội thảo có giá trị thực tiễn cao, giúp Bộ Tư pháp nắm bắt tình hình thực tế, khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Từ đó kiến nghị đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai Đề án 06 thành công, hiệu quả trong thời gian tới”- ông Hoàng Xuân Hoan nhấn mạnh.