Hội thảo và tọa đàm đóng góp bổ sung Nghị định hướng dẫn Luật Biên phòng Việt Nam

(PLVN) - Cụ thể hóa những quy định của Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thi hành các văn bản liên quan đến Bộ đội Biên phòng (BĐBP).

Kế thừa những quy định pháp luật liên quan đến BĐBP, ngày 09/4/2021, BĐBP Tây Ninh tổ chức hội thảo và tọa đàm phục vụ soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều luật BPVN tại hội trường bộ chỉ huy BĐBP tỉnh. Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó tư lệnh BĐBP, Trưởng đoàn khảo sát chủ trì hội thảo. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương - Phó tư lệnh BĐBP, Trưởng đoàn khảo sát chủ trì hội thảo (ảnh: Thanh Hải). 

Luật BPVN được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 11/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Trong đó, có 03 điều luật BPVN giao Chính phủ quy định chi tiết gồm: khoản 4 điều 10 về phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; khoản 2 điều 21 quy định về hệ thống tổ chức của BĐBP; khoản 2 điều 27 quy định về chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP.

Dự thảo Nghị định gồm 05 chương 31 điều được bố cục như sau: Chương I. Những quy định chung, gồm: 02 điều (từ điều 1 đến điều 2); Chương II. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, gồm 22 điều (từ điều 3 đến điều 24); Chương III. hệ thống tổ chức của BĐBP, gồm: 02 điều (từ điều 25 đến điều 26); Chương IV. chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP, gồm: 03 điều (từ điều 27 đến điều 29); Chương IV. Điều khoản thi hành, gồm: 02 điều (từ điều 30 đến điều 31).

Nhìn chung, dự thảo Nghị định quy định một số chính sách ưu đãi, chế độ đặc thù đối với BĐBP, cơ bản giữ nguyên chế độ, chính sách hiện hành mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang được thụ hưởng. Không bổ sung chế độ đặc thù mới mà quy định phụ cấp đặc thù quân sự đối với lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm của BĐBP thống nhất với phụ cấp đặc thù mà lực lượng phòng, chống ma túy thuộc Bộ Công an đang thụ hưởng.

Các ý kiến tại Hội nghị bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung dự thảo Nghị định và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để bổ sung, hoàn thiện Nghị định. Một số ý kiến cho rằng nên có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về quản lý, sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của BĐBP. Theo các đại biểu, dự thảo Nghị định cần thêm quy định cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo, ở những địa bàn được coi là đặc biệt khó khăn, nếu bị ốm đau, bệnh tật hoặc tai nạn… thì được xem xét, xác nhận hưởng chế độ chính sách như bệnh binh, thương binh (Điều 27). Đồng thời bổ sung cụm “chính quyền địa phương tham gia diễn tập xử lý các tình huống trong bảo vệ biên giới, an ninh trật tự trong khu vực biên giới do BĐBP chủ trì” vào Điều 22.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó tư lệnh BĐBP ghi nhận, đánh giá cao và tiếp thu các ý kiến thảo luận của các đại biểu, đồng thời sẽ tổng hợp các ý kiến và mong muốn tiếp tục tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành, các tổ chức, các cá nhân trên cổng thông tin Chính phủ, Bộ Quốc phòng để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Các đại biểu với ý kiến tại Hội thảo và tọa đàm, bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung dự thảo Nghị định (ảnh: Thanh Hải):

Đọc thêm