Vì tuổi cao sức yếu, Đại tá Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 - đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều 24/6/2012 tại quê nhà, huyện Thái Thuỵ, Thái Bình. Sự ra đi đột ngột của một nhân chứng lịch sử như đại tá Thận khiến nhiều người ngỡ ngàng và không khỏi xúc động trước cuộc sống bình lặng, giản dị của một người con đất lúa….
Bùi Quang Thận tại dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. |
Nhân chứng lịch sử…
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Đại tá Bùi Quang Thận (SN 1948) là người con thứ 2 trong 3 anh em trai. Một năm trước khi người anh cả hy sinh năm, Bùi Quang Thận gia nhập quân đội với chức trách ban đầu là người pháo thủ (năm 1966). Đến năm 1975, khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh là đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2.
Nhớ về những ngày tháng 4 lịch sử, Đại tá Thận từng kể: “Từ ngày 26/4/1975, chỉ trong vòng ba ngày, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chọc thủng tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở hướng đông bắc Sài Gòn, căn cứ Nước Trong- nơi đồn trú của đám tàn quân thuộc sư đoàn 18, lực lượng trường sĩ quan tăng thiết giáp, trường biệt kích thám báo ngụy.
Sáng 30/4, chúng tôi tiếp tục truy kích địch ở trường sĩ quan Thủ Đức và cầu Sài Gòn, tiêu diệt một số tàu của địch trên sông Sài Gòn. 9 giờ sáng, tôi ngồi trên xe tăng số 843, chỉ huy Đại đội 4 vượt cầu Sài Gòn, tiến về Ngã tư Hàng Xanh. Sau khi tiêu diệt một số xe tăng, thiết giáp của ngụy, đoàn xe tăng của đơn vị chúng tôi tiến thẳng về hướng dinh Độc Lập.
Thấy cổng dinh đóng, tôi ra lệnh bắn vào cổng dinh nhưng đạn lại không nổ. Tôi liền ra lệnh quay nòng pháo rồi húc vào trụ trái của cổng chính nhưng húc đến lần thứ ba mà cổng dinh Độc Lập vẫn không hề lay chuyển. Liền lúc ấy, xe 390 do đồng chí Vũ Đăng Toàn (Chính trị viên Đại đội 4) chỉ huy lao vào húc đổ cổng dinh nên cả hai xe đều lao thẳng vào trong sân. Khi xe dừng, tôi ôm cờ lao ra khỏi xe, chạy thẳng một mạch lên tầng hai rồi yêu cầu một quan chức ngụy quyền Sài Gòn dẫn tôi lên chỗ cột cờ.
Một quan chức ngụy quyền Sài Gòn (mà sau này tôi biết là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thanh niên Lý Quý Chung) dẫn tôi vào thang máy. Nhưng lúc đó, mình có biết thang máy là cái gì đâu, chỉ nhìn thấy nó giống như… cái hòm. Sợ nó nhốt mình ở trong đấy nên tôi liền đẩy ông Chung vào trước, còn mình vào sau.
Lên chỗ cột cờ, tôi nhanh chóng hạ cờ của ngụy quyền Sài Gòn rồi kéo cờ Giải phóng lên. Kéo lên được một đoạn, không hiểu nghĩ thế nào, tôi lại hạ xuống, lấy bút ghi dòng chữ “11h30 ngày 30.4- Thận” rồi mới lại kéo lên. Kéo cờ xong, tôi chạy xuống bằng cầu thang bộ. Xuống đến tầng hai thì đã thấy cờ Giải phóng đã được đồng đội cắm lên khá nhiều. Còn dưới sân, hầu hết các quân đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đều đã có mặt. Các dinh thự, các nóc nhà xung quanh đều phấp phới lá cờ Giải phóng…
Chia sẻ về cuộc sống thường nhật, đại tá Thận tâm sự: “Tôi về hưu năm 2000. Sau bao nhiêu năm vào nơi hòn tên mũi đạn mà không chết, được trở về với gia đình, người thân là hạnh phúc lắm rồi. Cuộc sống nói chung không có điều gì phải lo lắng vì con cái đã trưởng thành cả. Vài năm nay làm đầm nuôi cua, cá, cũng có dư dật chút ít. Điều may mắn nhất trong cuộc đời tôi là được kéo lá cờ Giải phóng trên nóc dinh Độc Lập, là người chứng kiến giờ phút sụp đổ thảm hại của ngụy quân, ngụy quyền…
Lúc đó, chỉ biết khi tham gia chiến trận, xe nào cũng được trang bị lá cờ và giao nhiệm vụ xe nào vào trước thì kéo cờ lên trước. Hồi ấy tất cả xe tăng như xe 843, 390… đều cùng một đại Đội 4 Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2 nên coi đấy là thành tích chung".
Đại tá Bùi Quang Thận cùng người thân bên chiếc xe tăng 843 lịch sử. |
… với đôi điều tiếc nuối
Sáng 26/6, lễ viếng và an táng Đại tá Bùi Quang Thận đã được chính quyền địa phương và gia đình tổ chức trang trọng tại thôn Xuân Bàng, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy.
Vẫn còn bàng hoàng trước cái chết của người chú, anh Bùi Văn Vo cầm bức ảnh chụp cảnh chú Thận trước cửa dinh Độc Lập cho biết: “Chú tôi vẫn thường kể lại về tấm ảnh lịch sử này. Đó là lúc chú tôi vừa vừa treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập xong. Vừa bước xuống sân với lá cờ ba que nhàu nát trong tay thì các nhà báo quốc tế đã “chộp” được ngay bức ảnh này. Mới đây, các nhà báo này đã chuyển tặng bức ảnh này cho Việt Nam và cho gia đình tôi”.
Trong cơn nức nở, chị Bùi Thị Kim Huế, con gái đại tá Thận, kể: “Bố tôi ra đi một cách đột ngột, Thường ngày, bố tôi vẫn khỏe và thường xuyên chăm nom hồ cá. Ngay trước hôm mất, bố tôi còn đi chơi Tam Đảo rồi về dự sinh nhật cháu. Khi bố tôi bị đột quỵ bất ngờ nên cũng không có lời trăn trối nào cho con cháu. Tiếc là trước khi mất, hồ sơ đề nghị phong danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang cho bố tôi vẫn chưa hoàn tất”.
Liên quan đến việc xét tặng danh hiệu anh hùng của đại tá Thận, qua điện thoại, ông Trần Xuân Nhuệ - Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy (Thái Bình)- cho hay: “Địa phương đã làm tờ trình gửi cơ quan chức năng đề nghị xem xét, làm thủ tục để có thể công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Bùi Quang Thận.
Đây có lẽ cũng là mong muốn của chính quyền và nhân dân địa phương đối với một người con của quê hương Thái Thuỵ- nhân chứng trong giây phút lịch sử, kết thúc thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975”.
Nghe lời phát biểu của ông Nhuệ, chúng tôi không khỏi bùi ngùi vì khi còn sống, đại tá Thận đã từng tâm sự trên 1 tờ báo rằng, “nhiều người bảo, tôi hạ cờ xuống và viết dòng chữ “11h30 ngày 30.4- Thận” rồi mới lại kéo cờ lên là có động cơ cá nhân, không tuyên dương anh hùng.
Nhưng tôi khẳng định rằng lúc ấy chẳng có động cơ nào cả. Có chăng, tôi chỉ kịp nghĩ rằng, sau này nếu ai cầm lá cờ ấy sẽ biết được mốc thời gian kéo cờ vào cái thời khắc lịch sử ấy, và chữ “Thận” là do tiện tay viết vào mà thôi.
Lúc ấy, chẳng nghĩ được điều gì cho mình, lại càng không bao giờ nghĩ được rằng lá cờ mình cắm rồi sẽ được đưa vào viện bảo tàng, và mình sẽ được ghi công. Hành động đó là hoàn toàn bột phát!”
Khoa Lâm