Cố nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc, bạn vong niên của Nguyễn Đức Toàn từng nhận xét: “Mỗi ngôi sao thường chỉ tỏa sáng ở một vùng trời, nhưng Nguyễn Đức Toàn lại thành công ở cả hai lĩnh vực âm nhạc và hội họa.
Nhạc phẩm của Nguyễn Đức Toàn đầy màu sắc và hình tượng, trong khi đó mỗi bức vẽ lại dạt dào những giai điệu. Xem các bức tranh về phố cổ của Toàn, người ta thật dễ liên tưởng đến ca khúc “Hà Nội trái tim hồng”; ngắm bức tranh sóng biển bạc đầu, lòng ta lại lâng lâng giai điệu “Tình em biển cả”; thưởng thức bức tranh mùa lúa chín, ta không thể không tìm về giai điệu ca khúc “Quê em””.
Nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa
Trước sự ra đi của “tượng đài âm nhạc” Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch hội Âm nhạc Hà Nội, đã có bài viết đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, hồi ức về cố nhạc sĩ lão thành.
Theo Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là lớp đầu tiên của các nhạc sĩ cách mạng, chỉ sau các nghệ sĩ tiền chiến một chút. Ông thuộc thế hệ những nghệ sĩ trưởng thành trong Cách mạng Tháng Tám. Ông bước vào đời là bước vào cuộc cách mạng lớn của dân tộc và làm nghệ thuật cũng chính là để phục vụ cuộc cách mạng giải phóng con người.
Đến với nghệ thuật, Nguyễn Đức Toàn theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng rồi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông gia nhập các đoàn biểu tình đi cướp trại bảo an binh, đi mít tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn, và cùng với nhạc sĩ Đỗ Nhuận lập ra dàn nhạc nhỏ, tiền thân của Đoàn kịch Sao Vàng.
Trong khí thế sục sôi của đất nước, dường như sự trầm tĩnh của một người làm hội họa không đủ hấp dẫn người thanh niên tuổi đôi mươi, Nguyễn Đức Toàn chuyển sang sáng tác nhạc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được biết đến nhiều qua bài hát nổi tiếng Quê em (tuy là bài hát kháng chiến, nhưng đài phát thanh trong vùng địch tạm bị chiếm vẫn phát sóng qua song ca của Thái Thanh - Thái Hằng).
Trưởng thành và gắn bó lâu dài với môi trường quân đội, trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn có một phần rất lớn những tác phẩm hay viết về người lính, về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trong các ca khúc của nhạc sĩ, hình ảnh người lính hiện ra thật gần gũi, chân thực, giống như một cuốn nhật ký về chiến tranh được ghi chép bằng âm thanh. Như bài Đào công sự lại vô cùng chân thực mà chỉ những người trực tiếp được chứng kiến mới có thể hình dung được khung cảnh ấy:
“Ta lại đào công sự cho trận chiến đấu ngày mai/Nào tay cuốc (ấy) tay mai ta đào mau (ớ dô hò dô, dô ta)/Tranh thủ lúc trời chưa sáng ta đào bằng xong…”.
Cùng đó, hàng loạt các ca khúc về những người anh hùng của dân tộc như chị Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi… cũng đã được nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn xây dựng những tượng đài âm nhạc rất thành công. Chính chuỗi ca khúc được viết bằng cả trái tim: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Noi gương anh Lý Tự Trọng, Bài ca Ngô Mây, Ca ngợi Trần Thị Lý, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi… đã khiến công chúng yêu mến gọi ông là là “nhạc sĩ của những anh hùng liệt sĩ”…
Đức Toàn cũng thể hiện rõ sự nhạy cảm của tác giả trước những thay đổi của thời cuộc. Khi đất nước hòa bình, ngôn ngữ âm nhạc của ông cũng chuyển rất nhanh, hòa cùng không khí chung của cuộc sống. Ông ghi dấu ấn trong lòng khán giả với những bài nhạc trữ tình như Từ ngày hôm nay, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng...
Có thể nói nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là một người lao động nghệ thuật nghiêm túc, chăm chỉ nhưng cũng hết mực tài hoa. Ông là người của thế hệ trước, nơi ông là sự gói ghém tất cả những gì là tinh hoa của người Hà Nội - mảnh đất ông sinh ra và lớn lên, tác phong nề nếp nghiêm khắc của một sĩ quan quân đội, sự kỹ càng của một nhà nho, một kẻ sĩ đất Thăng Long…
Và tất cả những tinh hoa ấy đều được thể hiện qua những tác phẩm nghệ thuật của ông. Từ hội họa đến âm nhạc đều được ông nghiên cứu tỉ mỉ, say mê theo đuổi và trong lĩnh vực nào ông cũng đều để lại những thành tựu đáng nể, chiếm trọn cảm tình của công chúng bởi những cảm xúc chân thực giản dị.
Những năm tháng theo học âm nhạc ở một đất nước có nền âm nhạc phát triển bậc nhất thế giới đã trang bị cho nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn một vốn liếng kiến thức toàn diện.
Ông miệt mài học hỏi và bản năng nghệ sĩ đã giúp ông sáng tạo ra nhiều tác phẩm khí nhạc được nhiều người biết đến, như hợp xướng 4 chương Giải phóng viết năm 1970, tổ khúc giao hưởng 3 chương Tổ quốc viết năm 1971. Cùng đó, ca khúc Chiều trên bến cảng - năm 1978 của ông cũng có thể được coi là một trong những tác phẩm mở ra một phong cách nhạc nhẹ trong âm nhạc Việt Nam cuối những năm 1970.
Chưa dừng lại ở đó, ông còn sở hữu những tác phẩm mà sức lan tỏa của nó mạnh tới mức mà ca từ của nó đã trở thành câu nói cửa miệng của bao thế hệ như “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay/ Non nước mây trời lòng ta mê say…” - ca khúc Tình em biển cả.
Sức sáng tạo mãnh liệt
Suốt cuộc đời nghệ sĩ, Nguyễn Đức Toàn sáng tác không biết mệt mỏi và để lại hơn 100 tác phẩm âm nhạc nhưng Nguyễn Đức Toàn vẫn không thấy hài lòng với bản thân. Ông bảo, nghệ sĩ mà dừng lại ở vài bài “là hỏng”. Và ở độ tuổi tám mươi, ông vẫn sáng tác, dù biết tác phẩm của mình đã “lạc lõng” với âm nhạc hiện thời.
Những lúc không thả mình vào âm nhạc, ông lại cầm cọ vẽ, đi tìm cái đẹp giữa âm thanh và đường nét cuộc sống. Đây cũng là niềm đam mê của ông từ ngày nhỏ, như ông từng kể: “Lúc biết bò là suốt ngày mặt mày lem luốc màu xanh, màu đỏ. Ngỡ tôi sinh ra để vẽ, để sau này trở thành họa sĩ, theo đuổi cái nghiệp bố tôi để lại”.
Tranh của Nguyễn Đức Toàn được trưng bày ở nhiều cuộc triển lãm, trong các bảo tàng Mỹ thuật lớn trong và ngoài nước. Trong phòng tranh tại nhà riêng của ông, những bức vẽ về Hà Nội và về người lính luôn được Nguyễn Đức Toàn treo ở những vị trí trang trọng nhất. Lần gần đây nhất là năm 2011, ông tổ chức triển lãm tranh cá nhân lần thứ 8 như một khẳng định niềm đam mê không ngừng nghỉ với nghệ thuật.
Một mảng sáng tác khá thành công của ông là những ca khúc viết về chân dung anh hùng, trong đó phải kể tới “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn từng tâm sự về hoàn cảnh sáng tác bài hát: Ông được đọc câu chuyện về chị Võ Thị Sáu trong tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán, trong đó có chi tiết: thời thơ bé chị Sáu rất thích chơi hoa lê ki ma. Câu chuyện về người con gái can trường nhưng cũng rất hồn nhiên ấy đã ám ảnh nhạc sĩ, để rồi những giai điệu “Mùa hoa lê ki ma nở…” đã ngân lên trong lòng nhạc sĩ.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn tiết lộ, một điều thú vị là cái tên “lê ki ma” là sự sáng tạo của nhà văn Phùng Quán chứ thực ra ngay ở quê hương chị Sáu, người dân vẫn cứ gọi loài hoa ấy là hoa trứng gà. Nhưng thật kỳ lạ, cái tên “lê ki ma” lại trở nên rất nên thơ và không biết từ bao giờ nó đã gắn với chân dung người nữ anh hùng, trở thành biểu tượng của tâm hồn người con gái dung dị và thanh xuân.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10/ 3/1929 tại Hà Nội. Thân sinh ông là cụ Nguyễn Đức Thục, nhà điêu khắc, họa sĩ nổi tiếng của Hà Nội. Năm 1944, ông học vẽ tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và hội họa là niềm say mê thuở ban đầu đối với ông. Tháng 8/1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội và viết bài hát đầu tiên Ca ngợi đời sống mới.
Năm 1946, ông tham gia Đoàn Kịch Sao Vàng cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận và tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được biết đến qua bài hát nổi tiếng “Quê em miền Trung du” với những ca từ: “Quê em miền trung du, đồng suối lúa xanh rờn/Giặc tràn lên thôn xóm/ Dâu bờ xanh thắm, nong tằm chín lứa tơ/Không tay người chăm bón…”. Điều đặc biệt, mặc dù là bài hát kháng chiến, nhưng với tiếng hát của Thái Thanh - Thái Hằng, bài hát vẫn vang lên trên sóng phát thanh phát trong vùng địch tạm chiếm…
Trong thời kì này, ông làm Phó đoàn Đoàn Văn công Việt Bắc, diễn kịch, vẽ minh hoạ, trình bày báo, và sáng tác âm nhạc, với những bài “Chiều hậu phương”, “Lúa mới” và một số ca cảnh.
Sau năm 1954, bài hát “Mời anh đến thăm quê tôi” đánh dấu bước chuyển trong sáng tác âm nhạc của ông. Trong thời kỳ này, ông sáng tác một loạt tác phẩm về các liệt sĩ như “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Bài ca Ngô Mây”, “Ca ngợi Trần Thị Lý”, “Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi”...
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông viết các bài “Đào công sự”, “Bài ca người lái xe”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, “Khâu áo gửi người chiến sĩ”...
Trong những năm 1968-1970, ông tu nghiệp ở Nhạc viện Kiev (Ukraina), tại đây ông đã viết các tác phẩm khí nhạc như Sonate viết cho violon (dàn dựng và xuất bản ở Moscow), Tổ khúc giao hưởng Tổ quốc (dàn nhạc Novosibirk)... Về nước, ông viết những ca khúc, hợp xướng như “Bài ca xây dựng”, “Tiếng hát buổi bình minh”, “Bài ca chiến thắng”...
Sau khi đất nước thống nhất, ông viết những bài hát nhạc nhẹ trữ tình như “Từ ngày hôm nay”, “Tình em biển cả”, “Chiều trên bến cảng”, “Hà Nội một trái tim hồng”.
Năm 2000, Nguyễn Đức Toàn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, được phong danh hiệu NSƯT.