Hồi ức về Tết của một vị tướng

 “Cứ mỗi độ xuân về, những hình ảnh oai hùng của thời khắc đó lại hiện về trong tôi... Tự hào lắm, vui sướng lắm và cả những nỗi buồn với những giọt nước mắt cho bạn bè tôi, đồng chí tôi, những người con anh hùng đã mãi mãi không về...”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ tâm sự.

“Cứ mỗi độ xuân về, những hình ảnh oai hùng của thời khắc đó lại hiện về trong tôi. Tất cả như một thước phim vĩnh cửu của dân tộc... Tự hào lắm, vui sướng lắm và cả những nỗi buồn với những giọt nước mắt cho bạn bè tôi, đồng chí tôi - những người con anh hùng đã mãi mãi không về...”, Dấu ấn của những ngày Tết Ất Mão 1975, cái Tết cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Trung tướng Phạm Xuân Thệ.

Tết trong chiến hào

Vào độ tuổi đẹp nhất - tuổi 20, Phạm Xuân Thệ - người thanh niên vùng quê Khả Phong, Kim Bảng, Hà Nam, tình nguyện vào Nam chiến đấu. Ông nói: “Lúc bấy giờ mong được cầm súng là để chiến đấu chiến thắng Mỹ - ngụy, thống nhất Tổ quốc, đó là lý tưởng của mỗi thanh niên chúng tôi”.

Ông vạch tay áo cho tôi xem những vết thẹo dài và cả những mảnh đạn còn cộm dưới da. Đã ba lần ông thoát chết dưới làn mưa bom, bão đạn. Một lần bom Mỹ đánh sập hầm, làm chết sáu đồng đội của ông. Lần khác, quả cối M79 bắn gãy đôi khẩu AK ông đang cầm trên tay. Và một lần, khi ông dùng tay trái chỉ cho đồng đội bắn cháy chiếc xe tăng trong trận đánh vào thiết đoàn xe tăng 11 quân đội Ngụy ở Ngã ba Bản Đông ngày 17/3/1971, cánh tay đó đã bị trúng đạn 12 ly 8. Những vết thương chưa lành, ông lại tiếp tục cầm súng ra trận.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ hồi ức về một thời lửa đạn đau xót nhưng hào hùng.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ hồi ức về một thời lửa đạn đau xót nhưng hào hùng.

Bên chén trà mạn, Trung tướng Phạm Xuân Thệ lần giở ký ức, nhớ lại từng thời khắc lịch sử mà ông tham gia. Ánh mắt ông ánh lên niềm tự hào, niềm tin tất thắng khi kể về những ngày tháng hào hùng của dân tộc.

Sau ngày ký Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở nước ta (27/1/1973), quân đội Sài Gòn đã trắng trợn phá hoại Hiệp định. Chúng mở nhiều đợt tiến công, chiếm lại một số vùng đất đã được giải phóng. Trước tình hình nghiêm trọng đó, tháng 7/1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành Hội nghị lần thứ 21, ra Nghị quyết khẳng định: “Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, sau ngày thành lập (17/5/1974), Quân đoàn 2 đã cử Sư đoàn Vinh Quang từ Quảng Trị vượt Trường Sơn vào Quảng Nam, Đà Nẵng, mở chiến dịch giải phóng căn cứ Thượng Đức và chốt giữ căn cứ này đến Tết Ất Mão.

Là Đại úy, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, lại trẻ, khỏe nên Phạm Xuân Thệ được giao nhiệm vụ thay mặt Trung đoàn trưởng, lên chỉ huy một tiểu đoàn chiến đấu tại cao điểm 1062 và ăn Tết cùng anh em. Được hậu phương lớn miền Bắc chăm lo nên năm ấy Tết trong chiến hào cũng có đủ bánh chưng, giò nạc, giò mỡ và có cả thuốc lá Tam Đảo, Tam Thanh, chè Hồng Đào từ Quảng Bình chuyển vào.

Đêm 30, dưới ánh sáng đèn dù của địch, Đại úy Thệ lội trong chiến hào nhão nhoét bùn đất, tới từng hầm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ. Chúc Tết xong, Đại úy trở về căn hầm trực chiến và trào lên nỗi nhớ cha mẹ, anh em, nỗi nhớ thương 360 đồng chí, đồng đội trong trung đoàn đã ngã xuống để giải phóng, bảo vệ thị trấn Thượng Đức. Gần giao thừa, Đại úy mở đài nghe Chủ tịch nước đọc thư Chúc Tết và thức luôn đến sáng mồng 1 Tết...

Hồi ức dinh Độc Lập

Ngày 10/3/1975, quân và dân ta tiến công vào thị xã Buôn Mê Thuột, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, Đại úy Phạm Xuân Thệ cùng Trung đoàn 66, Sư đoàn Vinh Quang tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Ngày 26/4, sau khi chiến đấu giải phóng căn cứ Nước Trong, Đại úy và một số cán bộ, chiến sĩ được tham gia lực lượng thọc sâu của Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công vào Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của Ngụy quân, Ngụy quyền...

Trung tướng Phạm Xuân Thệ hồi tưởng: “9h ngày 30/4, quân ta đến ngã tư Hàng Xanh, rồi cầu Thị Nghè, Thảo Cầm Viên. Xe tăng và xe cơ giới chở bộ binh của ta phát huy hết tốc lực rầm rộ tiến công vào nội đô Sài Gòn theo dọc đường Hồng Thập Tự (đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay - PV)”. Phạm Xuân Thệ cùng Trợ lý trinh sát trung đoàn Nguyễn Văn Nhu, Trợ lý chính sách trung đoàn Trịnh Ngọc Ước, hai chiến sĩ thông tin Nguyễn Huy Hoàng và Vũ Văn Thật đi trên chiếc xe jeep, chiến lợi phẩm, do Đào Ngọc Vân lái, cùng đơn vị lên đường. Các anh mang theo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Việt Nam hy vọng cắm lên nóc dinh Độc Lập hoặc một căn cứ lớn của địch.

Tới trước dinh Độc Lập, xe tăng 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy, húc thẳng vào cánh cổng phụ bên cạnh cổng chính và bị mắc kẹt. Lập tức, xe 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy lao lên húc đổ cánh cổng chính, vọt vào sân dinh. Đại úy Phạm Xuân Thệ và năm cán bộ, chiến sĩ cùng đi rời xe jeep, chạy thẳng vào dinh, tay lăm lăm súng, sẵn sàng nhả đạn. Vào tới tầng một, không thấy tên lính nào, Đại úy Thệ dẫn anh em chạy lên tầng hai với mục đích lên vị trí cao nhất, cắm cờ chiến thắng, thì gặp một người cao to, mặc áo cộc tay đứng chào và nói: “Thưa! Tôi Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các đang trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc”.

Đại úy Thệ và một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 đã vào phòng họp của nội các Dương Văn Minh. Tổng thống Dương Văn Minh đứng dậy, cố giữ vẻ bình tĩnh nói: “Chúng tôi biết Quân giải phóng vào nội đô, đang chờ các ông đến để bàn giao”. Đại úy Thệ lập tức nói rành rọt: “Các ông phải đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả”.

Vừa kể lại với tôi, ông minh họa và chỉ các nhân vật có mặt hôm đó thông qua những tấm hình lịch sử do các phóng viên chụp lại. Ông Thệ với khẩu súng ngắn trên tay, theo ông Nguyễn Hữu Hạnh cùng các đồng đội quyết định vào gặp Dương Văn Minh.

Dương Văn Minh khẩn khoản: “Chúng tôi xin được ở đây. Ra ngoài bây giờ không an toàn”. Đại úy Thệ trả lời: “Các ông phải ra Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện...”. Thực hiện phương án chiến đấu đã được quán triệt, ngay sau đó, Đại úy Phạm Xuân Thệ áp giải Tổng thống Dương Văn Minh lên xe đến Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc bản tuyên bố đầu hàng. Đại úy và cán bộ Trung đoàn 66 cùng đồng chí Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 xe tăng đã soạn lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh chép lại.

Và, trước sức mạnh của quân dân ta - mà một số cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 là đại diện vây quanh - Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố trên Đài Phát thanh Sài Gòn: “Tôi - Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ Trung ương đến địa phương cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - Việt Nam”... Đợi Dương Văn Minh đọc xong tuyên bố đầu hàng, Đại úy Phạm Xuân Thệ áp giải ông ta về dinh Độc Lập, bàn giao cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 rồi trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ mới.

Sài Gòn hôm ấy súng nổ như đêm 30 Tết. Tiếng súng nổ rất nhiều nhưng không phải là tiếng súng chiến đấu mà là tiếng súng mừng chiến thắng của quân Giải phóng.

Sáng 1/5, Trung đoàn 66 rút khỏi nội đô, trở về khu vực cầu sông Buông (Đồng Nai) củng cố và thu quân.

Hạnh phúc trọn vẹn

Năm 2008, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã về hưu sau 42 năm phục vụ quân ngũ. Nhà riêng của ông ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, có mảnh vườn trồng hoa, mùa nào phong lan cũng nở, có một cây khế quả trĩu cành, vài cây mộc khiêm nhường khép mình nơi góc vườn. Rảnh rỗi, ông lại cắt tỉa, tưới tắm cho những chậu cây cảnh. “Tôi luôn quan niệm một cuộc sống hạnh phúc là có tiếng cười của người lớn và tiếng khóc trẻ thơ. Gia đình tôi hiện sinh hoạt theo kiểu tam đại đồng đường. Dù ở riêng, tối nào các con gái, con rể, con trai, con dâu và các cháu ngoại vẫn cùng đến ăn cơm do vợ tôi nấu”, ông tâm sự.

Trở về nhà, ông không còn là tướng nữa, chỉ là ông ngoại, làm ngựa cho cháu cưỡi. Mỗi khi hai thằng nhỏ chí chóe đánh nhau khóc váng là con gái ông lại cười, bảo: “Đấy, âm thanh hạnh phúc của ông đấy!”. Ông dí dỏm: “Công việc chăm bẵm đàn cháu không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vất vả chẳng kém gì chiến trường. Quả thực, giờ mới hiểu được tấm lòng người vợ, bao năm nuôi con khi mình đi biền biệt. Thời ấy, những người con gái dám làm vợ bộ đội mới thực sự xứng đáng phong anh hùng”.

Kể về người bạn đời của mình - bà Nguyễn Thị Dung, Trung tướng Phạm Xuân Thệ tự hào: “Mỗi khi nghĩ về đồng đội, tôi luôn tự thấy mình là người may mắn nhất. Trước mỗi trận đánh, tôi có một người phụ nữ để nghĩ đến. Sau chiến tranh, tôi trở về lành lặn, đủ sức khỏe tiếp tục phục vụ trong binh ngũ. Những gì tôi có được trong ngày hôm nay đều có công rất lớn của vợ tôi. Bốn đứa con tôi trưởng thành đều do một tay bà ấy vun vén, dạy dỗ”.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã nhận được sự cảm thông, thấu hiểu từ vợ, bởi ông biết rằng dù chiến tranh đã lùi xa, dù ông có trở về nguyên vẹn, thì suốt mấy chục năm qua, vợ và các con vẫn phải “vò võ” chờ đợi ông một tháng đôi lần từ Quân khu I, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên về nhà, như bác hàng xóm gọi đùa là “khách” ghé qua chứ không phải là chủ nhà.

Bà Dung cười hóm hỉnh: “Ông ấy còn cả núi công việc mà! Tôi hiểu và thông cảm cho ông ấy”. Trung tướng Phạm Xuân Thệ nghe vợ nói “tôi thông cảm cho ông” nhưng ông vẫn biết trong sâu thẳm lòng bà mong gia đình ngày nào cũng được sum họp đông đủ. Ông nhìn vợ nói bằng giọng biết ơn và trìu mến: “Tôi may mắn có được người bạn đời như bà” và nói với tôi: “Tôi may mắn sống sót qua chiến tranh, may mắn được là nhân chứng lịch sử. Anh trai cả của tôi đã hy sinh vì đất nước vào năm 1966...”.

Bà Dung là người duy nhất biết rằng dù chiến tranh đã qua đi hơn ba chục năm nay, đến giờ ông vẫn chưa hề có một giấc ngủ bình yên. Trong giấc mơ, ông luôn gặp lại người anh trai, gặp lại những đồng đội đã hy sinh, những trận đánh ác liệt nhất từng tham gia, và càng thấy quý cuộc sống thời hiện tại.

Ra về, ông bắt tay và chúc phóng viên chúng tôi luôn “bút sắc, lòng trong”. Trên con đường ra cổng, tôi dừng lại trước những cây mộc. Những cây mộc chưa vào kỳ hoa mới, nhưng rõ ràng từ trong tâm khảm tôi nhận thấy mùi hương đằm sâu và tĩnh lặng đang ngào ngạt dâng lên. Và tôi rất hoàn toàn tin rằng đó không phải là ảo giác. Không hiểu sao, cho đến lúc này, khi nghĩ về ông, tôi lại nghĩ tới những cây mộc. Những cây mộc giản dị và thanh tao mãi toả hương ngay cả trong những ngày giá lạnh của đất trời.

Thu Hồng

Đọc thêm