Hôm nay (20/5), khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

(PLVN) - Sáng nay (20/5), Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Trong vòng 20 ngày làm việc, Quốc hội (QH) sẽ tập trung cho ý kiến, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về chương trình kỳ họp thứ 7
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về chương trình kỳ họp thứ 7

Theo thông lệ, trong chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, QH tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Tại kỳ họp này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH (VPQH) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự kiến, QH sẽ có 12 ngày làm việc, chiếm gần 60% tổng thời gian của kỳ họp, cho công tác xây dựng pháp luật; cụ thể là xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến với 9 dự án luật khác. Trong số các dự án luật có những dự án có tác động rất sâu rộng đến đời sống xã hội và được cử tri đang rất quan tâm như dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia... 

QH cũng sẽ lần đầu cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)… Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Cũng tại kỳ họp, QH sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019... Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề được lựa chọn dựa trên ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Tại kỳ họp này, QH sẽ cải tiến việc lấy ý kiến của các ĐBQH từ hình thức bằng văn bản sang hình thức bằng bảng điện tử, giúp việc lấy ý kiến được chính xác, nhanh chóng và thuận tiện hơn nhất là trong việc tổng hợp các ý kiến phục vụ cho công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật. Việc báo cáo kết quả giám sát trước QH tại kỳ họp này cũng có điểm mới là sử dụng hình ảnh để báo cáo, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề. 

Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Khút Nie, tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp đã có trên 172 ý kiến kiến nghị của các cử tri trên nhiều lĩnh vực của đời sống, văn hóa, xã hội… được đưa ra. Trong đó, vấn đề được cử tri quan tâm nhất là việc tăng giá điện, xăng dầu trong thời gian vừa qua ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân; tình trạng giá nông sản giảm trên địa bàn tỉnh…

Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, về cơ bản, dự kiến chương trình kỳ họp đã được gửi cho các ĐBQH là hợp lý và phù hợp. Về nội dung chất vấn, theo ĐB Hòa, hiện có một số vấn đề nóng đang nổi lên như giá điện, lạm dụng tình dục trẻ em, ấu dâm, bạo lực học đường, lái xe sử dụng chất kích thích… Đây là những vấn đề rất nóng mà các cử tri đề cập nhiều tại các cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua.

“Những vấn đề mà người dân quan tâm đó thì chúng ta nên đặt vấn đề để các vị bộ trưởng trả lời, nếu không cũng phải có ý kiến tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội để các bộ, ngành có được những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm làm lắng dịu và kiểm soát tình hình, hạn chế thấp nhất những vấn đề chưa tốt xảy ra thời gian qua, tạo sự tin tưởng của người dân đối với QH”, ĐB Hòa nêu ý kiến.

Đọc thêm