Hôm nay, 925.792 thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

(PLO) - Hôm nay (25/6), 925.792 thí sinh bước vào 2 môn thi đầu tiên: Văn- Toán. Trong đó số thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT là 879.705 (năm 2017: 809.369); tổng số TS sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ là: 688.466, chiếm 74,3% (năm 2017: 640.471 chiếm gần 75%). Cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi…
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đi thanh tra thi.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đi thanh tra thi.

“Chặt” với cả giám thị...

Trước kì thi, Hà Nội tổ chức hội nghị công tác thi 2018. Năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội được giao chủ trì cụm thi số 1. Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, với khoảng 80.000 thí sinh dự thi, địa bàn thi trải rộng trên 30 quận, huyện, thị xã, Sở đã tổ chức tập huấn kỹ lưỡng cho tất cả các lãnh đạo điểm thi, yêu cầu các lãnh đạo điểm thi triển khai tập huấn cho các giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, kể cả danh sách chính thức và danh sách dự bị. “Sau sự cố lọt đề rất đáng tiếc trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, chúng tôi coi đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc. Việc chỉ đạo, nhắc nhở, quán triệt dù đã tiến hành đầy đủ nhưng vẫn cần nhấn mạnh rất kỹ về ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ coi thi” - ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, công tác an ninh, giám sát sẽ được tăng cường, việc nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ giám thị trong mỗi phòng thi sẽ được đặc biệt coi trọng. Không chỉ giám sát nghiêm túc thí sinh mà còn phải kiểm soát chặt chẽ từng hành vi của mỗi cán bộ, nhân viên trong phòng thi, điểm thi. Nếu để xảy ra sai phạm, người trực tiếp thực hiện, người cùng coi thi và hiệu trưởng trường cử cán bộ đi coi thi cũng phải chịu trách nhiệm. 

Không những thế, nhằm hạn chế các hành vi gian lận, Hà Nội còn quy định việc sử dụng thống nhất loại giấy nháp ở bài thi tổ hợp cho tất cả các điểm thi. Giấy nháp có màu mực đỏ được dùng cho môn thi thành phần thứ nhất (tương ứng với môn Vật lý, Lịch sử), giấy nháp có màu mực xanh dùng cho môn thi thành phần thứ hai (Hóa học và Địa lý) và giấy nháp có màu mực đen dùng cho môn thi thành phần thứ ba (sinh học và giáo dục công dân). Vì vậy, khi kết thúc môn thi thành phần trước, thí sinh nhớ nộp đề thi và giấy nháp tương ứng với môn thi. Nếu thí sinh thi môn thành phần thứ hai, mà còn để giấy nháp có màu mực đỏ trên bàn, coi như phạm quy.

Một quy định khác mà thí sinh không được phép quên, trong quá trình làm bài của tất cả các bài thi, môn thi, thí sinh tuyệt đối không được đánh dấu hoặc ghi các nội dung liên quan đến bài thi vào các loại giấy tờ, vật dụng đem theo, kể cả điện thoại đã được tắt nguồn cũng sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức. 

Không tạo thêm áp lực cho thí sinh trong phòng thi

Để đảm bảo an toàn, công bằng, phòng chống gian lận thi cử, Ban Chỉ đạo thi TP Hà Nội đã đề nghị Công an thành phố phối hợp thông tin giúp giám thị, cán bộ coi thi tại các hội đồng thi nằm trong danh sách tổ chức thi của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội nhận biết một số thiết bị gian lận thi cử.

Thượng tá Hạ Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao PC50 (Công an TP Hà Nội) cho biết, qua nắm bắt tình hình, thời gian gần đây cho thấy, trên mạng xã hội thường xuyên xuất hiện nhiều trang rao bán các thiết bị không dây, siêu nhỏ được sử dụng để gian lận trong thi cử. Qua công tác đấu tranh, từ năm 2015 đến nay, Công an Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch đảm bảo công tác an ninh trong thi cử. Trong đó, Phòng PC50 tiến hành rà soát và phát hiện, kiểm tra xử lý các trang bán các mặt hàng trên.

Chỉ tính trong 5 năm gần đây, Phòng PC50 - Công an Hà Nội đã đấu tranh, kiểm tra phát hiện hơn 10 vụ việc, thu giữ 263 bộ thiết bị siêu nhỏ dùng để gian lận thi cử. Lực lượng Công an cũng đã và đang phối hợp trực tiếp với lãnh đạo và giám thị các trường để phổ biến cách nhận biết một số loại thiết bị có thể sử dụng để gian lận trong thi cử. Thượng tá Hằng chia sẻ, phía đơn vị đã nhận được thông tin có đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước. Vì vậy, cán bộ coi thi năm nay cần lưu ý để phát hiện các trường hợp này, đảm bảo tính công bằng cho kỳ thi.

Và thực tế những lo ngại về tính minh bạch, khách quan từ coi thi, chấm thi, không ít ý kiến cho rằng, để tránh các hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử, hiện tượng coi lỏng coi chặt... nên cho một cán bộ công an vào trong phòng thi hoặc giám sát.

Tuy nhiên, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho rằng, mỗi đơn vị đều có chức năng và nhiệm vụ riêng của mình. Thi cử là việc diễn ra bình thường và ngành Giáo dục đủ sức làm việc này, công an là lực lượng phối hợp.

“Tôi không ủng hộ ý kiến đưa công an vào trong các phòng thi, bởi tôi tin đại đa số các thầy cô trong ngành nghiêm túc, đủ sức làm việc đó. Có những hiện tượng đặc biệt, mang tính kỹ thuật cao thì mới cần đến các lực lượng khác hỗ trợ, như lực lượng công an. Chúng ta cũng không nên quá nặng nề làm ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh”.

Đọc thêm