Theo chương trình, hôm nay (24/11), các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng; đồng thời thảo luận về đề nghị Quốc hội phê chuẩn các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Đây là một thiết chế độc lập đã được quy định trong Hiến pháp 2013 nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân.
Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, độc lập của Hội đồng bầu cử quốc gia, Hiến pháp đã quy định, Hội đồng Bầu cử do Quốc hội thành lập, không phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập như trước đây.
Chức năng chủ yếu của Hội đồng Bầu cử quốc gia là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn việc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, bảo đảm các cuộc bầu cử được tiến hành theo đúng nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, cũng như độc lập trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng giới thiệu ứng cử viên, đảm bảo tiêu chuẩn theo luật định.
Ông Đinh Xuân Thảo cho biết, theo quy trình, Quốc hội sẽ bầu Hội đồng bầu cử Quốc gia. Hội đồng này sẽ giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Hội đồng này chỉ tồn tại trong thời điểm bầu cử Quốc hội và HĐND và tự giải thể sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ có đại diện của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức khác"
Hội đồng bầu cử Quốc gia có các nhiệm vụ cụ thể như: tổ chức, điều hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; công bố kết quả bầu cử, kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo về quyền bầu cử; trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp báo cáo về việc thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND căn cứ vào kết quả bầu cử; về việc miễn nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; báo cáo kết quả bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp....
Ông Nguyễn Văn Minh, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Hội đồng bầu cử Quốc gia là Hội đồng rất độc lập. Thông qua Hội đồng bầu cử quốc gia, chúng ta sẽ lựa chọn được nhiều đại biểu để tham gia ứng cử vào Quốc hội cũng như HĐND các cấp khóa tới.
“Tôi tin tưởng với sự lãnh đạo của các Cơ quan thường trực của Quốc hội sẽ trình cho Quốc hội danh sách những đồng chí tham gia trong Hội đồng bầu cử đầy trí tuệ, sáng suốt khi ngày bầu cử sắp tới. Hiện nay tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp đã được quy định rất rõ trong các luật. Đây cũng là một cơ sở pháp lý để Hội đồng bầu cử quyết định để chọn những người tham gia ứng cử. Tôi tin rằng với sự dân chủ và công khai cũng như sự sáng suốt, trình độ của người dân hiện nay sẽ bầu được những đại biểu xứng đáng”, đại biểu Nguyễn Văn Minh nói.
Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, tạo tiền đề khắc phục những hạn chế của hệ thống quản lý bầu cử ở nước ta hiện nay, tăng cường các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Là cơ quan do Quốc hội thành lập, Hội đồng Bầu cử Quốc gia phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực thi các nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định.
Cơ chế chịu trách nhiệm của Hội đồng được thể hiện ở chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất trước Quốc hội. Hội đồng bầu cử quốc gia phải được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Chính vì vậy, các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia phải do Quốc hội bầu.