Hôm nay, Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

(PLVN) - Hôm nay (3/5), tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh diễn ra với nghi thức Quốc tang. Danh sách Ban lễ tang gồm 39 người, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban. 
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước (1920-2019)
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước (1920-2019)

Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu từ 7h đến 11h, lễ truy điệu từ 11h, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ an táng từ 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP HCM. Cũng thời gian này, tại hội trường Thống Nhất TP HCM và hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.

Trong hai ngày Quốc tang (3 và 4/5), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi, giải trí.  

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các đoàn viếng tang ở Hà Nội và TP HCM chỉ mang băng tang, không mang vòng hoa. Bộ cũng đề nghị hoãn tổ chức sự kiện chào mừng, chương trình nghệ thuật, thi đấu thể thao, vui chơi, giải trí trong những ngày quốc tang. 

Sau lễ truy điệu, linh cữu cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ từ Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông đi qua nhà công vụ ông từng ở (số 5A Hoàng Diệu), lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch rồi ra sân bay Nội Bài vào TP HCM. 

Theo kế hoạch, 15h linh cữu được Ban Tổ chức và gia đình đưa từ Hà Nội vào đến sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, linh cữu sẽ qua quân khu 7, nơi ông từng là Tư lệnh kiêm Chính uỷ quân khu, đi qua nhà riêng 240 Pasteur trước khi đến nghĩa trang TP HCM.

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh qua đời lúc 20h10 ngày 22/4 tại nhà số 5A, Hoàng Diệu, Hà Nội. Sinh năm 1920, tại xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít người có sự nghiệp gắn liền với nhiều thời kỳ cách mạng.

Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới Phía Bắc.

Năm 1981-1986, ông làm Thứ trưởng Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986. Tháng 2/1987, ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1997, ông là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được khen thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huân chương của Liên Xô (cũ), Cu Ba, Campuchia, Lào. Ông là đại biểu Quốc hội khóa: VI, VII, VIII và IX; Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa: V, VI, VII và VIII.

Đọc thêm