Chốt hàng nghìn đơn hàng buôn lậu qua điện thoại
Chiều nay (10/5), TAND TP Hà Nội sẽ tiến hành tuyên án 14 bị cáo trong vụ “Buôn lậu”, "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại công ty Nhật Cường. Điều đáng nói trong vụ án này, đó là hầu hết các bị cáo ra hầu tòa chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của “ông trùm” đường dây là Bùi Quang Huy, hiện đã bỏ trốn. Trong số các bị cáo, một người đã chết tại bệnh viện do bệnh nặng là ông Mai Tiến Dũng - trưởng ngành điện thoại cũ của Nhật Cường. Ông Dũng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, các bị cáo khác đã bị Viện kiểm sát đề nghị mức án khá nghiêm khắc. Trong đó, người bị đề nghị cao nhất là Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng giám đốc Nhật Cường - với mức 15-16 năm tù về tội "Buôn lậu".
Đường dây buôn lậu do Bùi Quang Huy thiết lập được đánh giá là tinh vi và có quy mô lớn chưa từng thấy trong ngành bán lẻ điện thoại, thiết bị điện tử. Theo xác nhận của các bị cáo, thông qua đường dây này, 255.000 sản phẩm, trị giá hơn 2.927 tỉ đồng đã được buôn lậu trót lọt từ Trung Quốc, Hong Kong, Singapore... vào Việt Nam.
Trong vụ án này, người cầm đầu là Bùi Quang Huy và phần lớn các bị cáo đều là người am hiểu công nghệ thông tin. Việc giao dịch với các đối tác nước ngoài không cần phải làm việc trực tiếp mà đều thông qua các nhóm Wechat, Whatsapp, Zalo... để tiến hành thỏa thuận.
Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng giám đốc Nhật Cường – khai: "Việc tìm kiếm, móc nối các nhà cung cấp do Bùi Quang Huy thực hiện. Bùi Quang Huy lập các nhóm chat thông qua ứng dụng WhatsApp, Wechat để trao đổi với các nhà cung cấp". Bản thân bị cáo Ánh là Phó Tổng Giám đốc nhưng chỉ mới 2 lần gặp mặt trực tiếp với các nhà cung cấp (có tới 15 nhà cung cấp hàng lậu cho Nhật Cường tại các nước châu Á).
"Trong 12 nhà cung cấp có Đỗ Anh Hùng ở Hong Kong từng qua công ty thăm Bùi Quang Huy, nên bị cáo đã gặp mặt. Ngoài ra, bị cáo có biết Ngô Xuân Sửu từng đến Công ty Nhật Cường để nhận tiền bán hàng" – bị cáo Ánh trình bày với HĐXX.
Còn lại, các bị cáo khai đều giao dịch, chốt đơn hàng qua các nhóm chat trên điện thoại. Đã có tổng số 2.500 đơn hàng buôn lậu được chốt, tương đương 255.000 sản phẩm điện thoại, linh kiện điện tử.
Chuyển tiền qua tiệm vàng, lập khống hồ sơ hải quan
Sau khi chốt đơn, các bị cáo tiến hành chuyển những khoản tiền hàng khổng lồ qua các tiệm vàng ở Hà Nội. Đến nay, cơ quan chức năng xác định Bùi Quang Huy và các đồng phạm đã thông qua 2 tiệm vàng tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để chuyển hàng ngàn tỉ đồng thanh toán cho các nhà cung cấp ở nước ngoài.
Theo đó, tiệm vàng Lộc Phát (phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm) chuyển 1.729 tỉ đồng; chi tiền mặt là 1.121 tỉ đồng, số tiền còn lại chuyển 21 tài khoản của 12 cá nhân. Tiệm vàng Thuận Phát (phố Hàng Dầu) chuyển 795 tỉ đồng; chi tiền mặt là 487 tỉ đồng, số còn lại chuyển vào 14 tài khoản của 8 cá nhân.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh - Phó Tổng giám đốc Nhật Cường (Ảnh: TTXVN) |
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc khai được giao nhiệm vụ chuyển tiền hàng sau khi Bùi Quang Huy đã chốt đơn. Trong đó, bị cáo đưa trực tiếp cho Ngô Xuân Sửu, nhà cung cấp Công ty Miền Tây, khoảng 200 tỉ đồng.
"Ngoài ra, bị cáo còn thanh toán cho các nhà cung cấp ở nước ngoài qua trung gian tiệm vàng ở phố Hàng Dầu và Hà Trung. Tổng số tiền thanh toán qua 2 tiệm vàng đó là do Bùi Quang Huy chỉ đạo bị cáo làm hết" - bị cáo Ngọc khai và xác nhận số tiền cơ quan điều tra xác định là chính xác.
Quá trình nhận hàng, Bùi Quang Huy đã kết hợp với một mạng lưới làm giả hóa đơn chứng từ, lập khống hồ sơ hải quan do hai bị can Đoàn Mạnh Phong, Nguyễn Bảo Trung cầm đầu. Cụ thể, Bùi Quang Huy thuê 3 đường dây để đưa hàng lậu qua sân bay Nội Bài.
Từ tháng 1/2016 đến tháng 11/2017, đường dây của Nguyễn Bảo Trung dùng thủ đoạn lập khống hồ sơ hải quan, vận chuyển trót lọt hơn 40.000 sản phẩm (trị giá gần 550 tỉ đồng) từ Hong Kong (Trung Quốc) về Việt Nam qua Sân bay Nội Bài. Sau phi vụ, Trung được Bùi Quang Huy và đồng phạm thanh toán gần 14 tỉ đồng phí vận chuyển.
Từ cuối năm 2017 đến tháng 9/2018, đường dây này tiếp nhận gần 17.000 loại hàng hóa (trị giá hơn 307 tỉ đồng) của nhà cung cấp tại Hong Kong (Trung Quốc) để gửi về Việt Nam theo đường hàng không.
Khi hàng về đến sân bay Nội Bài, nhóm của Đoàn Mạnh Phong dùng thủ đoạn lập công ty "ma" để lấy pháp nhân khai báo hải quan bằng mặt hàng khác. Sau đó, nhóm này mở tờ khai hải quan để nhận hàng lậu từ sân bay đưa về trung tâm Hà Nội giao cho Huy và đồng phạm. Bùi Quang Huy trả phí vận chuyển cho khâu này với số tiền hơn 7,9 tỉ đồng./.