Hơn 1.000 tỷ đồng làm hộ chiếu điện tử trong nước

 Đề án "Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam" với tổng dự toán đầu tư là 1.024 tỷ đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước.

Đề án "Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam" với tổng dự toán đầu tư là 1.024 tỷ đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước.

Theo đó, Đề án được thực hiện trong 4 năm, chia thành 2 giai đoạn. Trong tổng dự toán đầu tư là 1.024 tỷ đồng, 175 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền thiết bị và phần mềm sản xuất hộ chiếu điện tử Việt Nam; 512 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm phục vụ cấp phát, kiểm soát và quản lý hộ chiếu điện tử trong các đơn vị thuộc Bộ Công an...

Đề án yêu cầu, công nghệ nhận dạng vân tay triển khai phải đảm bảo tương thích với các công nghệ nhận dạng vân tay sử dụng trong hệ thống chứng minh nhân dân điện tử và hệ thống tàng thư tội phạm mà Bộ Công an đang chủ trì xây dựng. Cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ chiếu điện tử phải đảm bảo khả năng mở rộng và tích hợp để trao đổi, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác về dân cư, về chứng minh nhân dân, về tội phạm.

Trên thế giới hiện có khoảng 45 nước sử dụng hộ chiếu điện tử, nhiều nước đã sớm đưa vào sử dụng loại hộ chiếu này từ giữa những năm 2000. Cuối năm 2005, Đức là nước EU đầu tiên đưa vào sử dụng chiếu điện tử. Từ đầu năm 2006, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Australia đã thực hiện cấp hộ chiếu điện tử. Tại Đông Nam Á, Singapore và Malaysia là nước tiên phong trong lĩnh vực này. Nước mới nhất áp dụng hộ chiếu điện tử là Nga, từ ngày 1/3/2010 Nga cấp hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân.

Chí Kiên

Đọc thêm