Theo ghi nhận của Pháp luật Việt Nam tại một số điểm thi như Trường THCS Dịch Vọng Hậu, Trường THCS Yên Hoà, THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (quận Cầu Giấy), THPT Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) ngay từ sáng sớm, phụ huynh và các thí sinh đã có mặt tại điểm thi.
Mặc dù các thí sinh đã vào phòng thi nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn nán lại tại khu vực thi để chờ đợi. Hầu hết các phụ huynh đều có tâm trạng lo lắng, hồi hộp, mong con bình tĩnh để hoàn thành tốt bài thi.
8h thí sinh vào phòng thi. Theo quy định, nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, thí sinh sẽ không được dự thi.
Đến 10h thời lượng bài thi môn Ngữ văn kết thúc. Buổi chiều từ 14h thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Ngoại ngữ thời gian 60 phút. Ngày mai 11/6, thí sinh thi Toán thời lượng 120 phút. Sáng 12/6, thí sinh làm bài thi môn chuyên.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay, số lượng thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập là gần 105.000 em. Trong khi, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập chỉ khoảng 72.000.
Toàn thành phố có 201 điểm thi, với tổng số 4.477 phòng thi phục vụ thí sinh thi vào lớp 10 công lập không chuyên và 402 phòng thi dự phòng.
Trong ngày 9/6, số lượt thí sinh đã đến điểm thi làm thủ tục dự thi là 114.962 em, chiếm tỷ lệ 99,4% trong tổng số lượt thí sinh đăng ký dự thi. Có hơn 600 thí sinh vắng mặt do đã trúng tuyển vào lớp 10 chuyên của các trường đại học, hoặc đi học nghề... Tổng số thí sinh cần hỗ trợ trong quá trình dự thi là 9 em.
Thành phố đã huy động khoảng 20.000 giám thị coi thi, chưa kể các lực lượng y tế, công an, quân đội phối hợp trong kỳ thi.
Toàn thành phố Hà Nội có 12 khu vực tuyển sinh lớp 10 phân chia theo địa giới hành chính. Thí sinh được lựa chọn khu vực tuyển sinh để đăng ký dự thi. Số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, tại tất cả 12 khu vực tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký dự thi đều cao hơn so chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 1,2 lần trở lên.
Trong đó, 2 khu vực tuyển sinh “nóng” nhất của thành phố với tỷ lệ cạnh tranh cao hơn hẳn những khu vực khác là: Khu vực tuyển sinh 1 và Khu vực tuyển sinh 3. Khu vực 3 gồm các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa có “tỷ lệ chọi” cao nhất (2,14). Các trường THPT trong khu vực tuyển sinh này đều có “tỷ lệ chọi” cao như THPT Khương Hạ, THPT Kim Liên, THPT Cầu Giấy, THPT Yên Hòa, THPT Nhân Chính, THPT Đống Đa.
Trong 117 trường THPT công lập, Trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ có “tỷ lệ chọi” cao nhất 1/3,55. Đây là trường công lập nhiều cấp học đầu tiên ở Hà Nội, tuyển sinh từ năm 2021. Năm nay, trường nhận 280 học sinh lớp 10 nhưng có tới 995 hồ sơ nguyện vọng 1.
Xếp sau trường Khương Hạ về “tỷ lệ chọi” là Trường THPT Chu Văn An với 1/3,43. Hệ không chuyên của trường tuyển 270 học sinh, nhận được 926 hồ sơ. Tiếp đó là THPT Sơn Tây và THPT Kim Liên, cùng có “tỷ lệ chọi” 1/2,62. Trường THPT Nguyễn Văn Cừ xếp thứ 5 với “tỷ lệ chọi” 1/2,51. Các vị trí còn lại trong top 10 thuộc về các Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, THPT Trung Văn, THPT Cầu Giấy, THPT Yên Hòa, THPT Phan Đình Phùng.
Một số hình ảnh ghi nhận tại các điểm thi vào sáng nay:
Từ sáng sớm, điểm thi Trường THCS Dịch Vọng Hậu đã có rất đông thí sinh và phụ huynh. |
Các thí sinh được phát nước miễn phí tại điểm thi. |
Thí sinh và phụ huynh tra số báo danh, phòng thi. |
Sau khi thí sinh vào phòng thi, nhiều phụ huynh vẫn nán lại trước cổng trường. |
Tại điểm thi Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. |
Một số phụ huynh đứng chờ trước cổng trường. |
Bắt đầu làm bài thi, nhà trường yêu cầu phụ huynh ra phía khu vực chờ theo quy định, không đứng trước cổng trường. |
Tại điểm thi Trường THCS Yên Hoà, sau khi thí sinh vào phòng thi, phụ huynh cũng ra về hoặc di chuyển tới địa điểm khác để chờ con. |