CNN dẫn báo cáo của Viện hỗ trợ xã hội Zhongmin thuộc Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết, những người từ 65 tuổi trở lên chiếm đến 80% số người già mất tích.
“Đây rõ ràng là một con số lớn và là một vấn đề xã hội mà chúng ta không thể bỏ qua”, ông Wang Zhikun, Viện trưởng Viện Zhongmin, cho hay.
Báo cáo cũng cho biết, khoảng 25% những người đã bị mất tích đã được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer hay mất trí nhớ và 72% bị mắc một số chứng mất trí không thể chữa khỏi.
Tác giả báo cáo Xiong Guibin cho biết thêm rằng trong số những người đã được tìm thấy sau khi được trình báo mất tích, 25% sau đó lại mất tích tiếp.
Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, một phần là do chính sách 1 con mới được chính phủ nước này bãi bỏ hồi năm ngoái.
Dù luật Trung Quốc yêu cầu những người trưởng thành phải chăm sóc cha mẹ nhưng nhiều người già do có con đã qua đời sớm hay không sống cùng con cái vẫn bị đẩy vào tình trạng không người chăm sóc.
Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực nông thôn và các thành phố nhỏ vì những người trẻ thường di cư tới các thành phố giàu hơn để kiếm sống.
Theo Ngân hàng thế giới, Trung Quốc hiện có khoảng 114 triệu người trên 65 tuổi, nhiều hơn bất cứ nước đang phát triển nào.
Chính phủ Trung Quốc dự báo, đến năm 2030, nước này sẽ là nước có đông số người già nhất trên thế giới, với khoảng hơn 400 triệu người trên 69 tuổi, tạo gánh nặng đáng kể lên các chính sách chăm sóc người cao tuổi.