Đây là thông tin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc( UNICEF), Liên minh toàn cầu về vắc-in và tiêm chủng (GAVI) cung cấp trong Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới . Theo đó, các dịch vụ tiêm chủng đã bắt đầu phục hồi sau sự gián đoạn do COVID-19 gây ra, tuy nhiên hàng triệu trẻ em vẫn có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Một cuộc khảo sát của WHO đã cho thấy, mặc dù đã có tiến bộ so với tình hình năm 2020, nhưng hơn 1/3 các quốc gia được hỏi (37%) vẫn báo cáo bị gián đoạn dịch vụ tiêm chủng thường xuyên.
Đồng thời, các chiến dịch tiêm chủng đại trà cũng bị gián đoạn. Theo dữ liệu mới, 60 chiến dịch tiêm chủng đại trà hiện đang bị hoãn lại ở 50 quốc gia, khiến khoảng 228 triệu người, chủ yếu là trẻ em, có nguy cơ mắc các bệnh như sởi, sốt vàng da và bại liệt. Hơn một nửa trong số 50 quốc gia bị ảnh hưởng ở châu Phi, nhấn mạnh sự bất bình đẳng kéo dài trong việc tiếp cận các dịch vụ tiêm chủng quan trọng.
Các chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh sởi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong khi đó, bệnh sởi là một trong những bệnh dễ lây lan nhất và dễ có các đợt bùng phát lớn khi không được tiêm phòng. Trong số các chiến dịch bị hoãn lại có 23 chiến dịch phòng chống sởi, ảnh hưởng đến khoảng 140 triệu người. Nhiều chiến dịch hiện đã bị trì hoãn hơn một năm.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết, ngay cả trước đại dịch, đã có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy chúng ta đang bắt đầu thất thế trong cuộc chiến chống lại các bệnh có thể phòng ngừa được ở trẻ em, với 20 triệu trẻ em đã bỏ lỡ các đợt tiêm vắc xin quan trọng.
Do không được tiêm chủng, gần đây bệnh sởi đã bùng phát nghiêm trọng ở Congo, Pakistan và Yemen. Các cơ quan quan cảnh báo dịch có nguy cơ xảy ra ở những nơi khác khi ngày càng có nhiều trẻ em không được tiêm các vắc xin quan trọng. Những đợt bùng phát này xảy ra ở những nơi đang có xung đột và bị gián đoạn dịch vụ do Covid-19.
TS. Berkley, Giám đốc điều hành của Gavi, Liên minh Vắc xin cho biết: "Hàng triệu trẻ em trên thế giới có nguy cơ không được tiêm các loại vắc xin thường xuyên do đại dịch. Điều này có thể làm đảo ngược những tiến bộ mà tiêm chủng mở rộng đã đạt được trong hai thập kỷ qua. Để hỗ trợ sự phục hồi từ Covid-19 và để phòng chống các đại dịch trong tương lai, chúng ta cần đảm bảo ưu tiên tiêm chủng thường xuyên, tập trung vào việc tiếp cận những trẻ em chưa được tiêm bất kỳ loại vắc xin thường xuyên nào. Để làm được điều này, chúng ta, các cơ quan phát triển, các chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự hợp tác chặt chẽ để đảm bảo rằng không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau".
TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus,Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, nếu chúng ta muốn tránh được các đợt bùng phát của những bệnh đe dọa đến tính mạng như sởi, sốt vàng da và bạch hầu, thì chúng ta phải đảm bảo các dịch vụ tiêm chủng thường xuyên được tiến hành ở mọi quốc gia trên thế giới.
Để giúp giải quyết những thách thức này và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19, UNICEF, Gavi và các đối tác khác đã khởi động Chương trình Tiêm chủng 2020 (IA2030), một chiến lược toàn cầu mới với kỳ vọng tối đa hóa tác động của vắc xin thông qua các hệ thống tiêm chủng mạnh mẽ hơn.
Các mục tiêu sẽ đạt được vào năm 2030 bao gồm: Đạt 90% trẻ em và thanh thiếu niên được tiêm vắc xin thiết yếu (bao gồm ba liều bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTP3), hai liều sởi, HPV và ba liều vắc xin phế cầu khuẩn); Giảm một nửa số trẻ em hoàn toàn không được tiêm vắc xin; 500 quốc gia hoặc địa phương triển khai tiêm chủng các loại vắc xin mới hoặc vắc xin còn chưa được sử dụng như vắc xin Covid-19, vắc xin rota, hoặc vắc xin HPV.
Chương trình này tập trung vào tiêm chủng trong suốt cuộc đời, từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên và tuổi già. Theo WHO, nếu được thực hiện đầy đủ, chương trình sẽ giúp ngăn chặn khoảng 50 triệu ca tử vong, 75% trong số này ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của Chương trình Tiêm chủng,WHO, UNICEF, GAVI và các đối tác đang kêu gọi hành động mạnh mẽ.