Thí điểm tại 4 thành phố và 1 huyện vùng cao
Báo cáo sơ kết của Bộ Tư pháp cho biết, từ ngày 1/1/2016, Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) phối hợp với Bộ Công an (Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư – C72, Tổng cục Cảnh sát) tiến hành triển khai thí điểm Phân hệ đăng ký khai sinh (ĐKKS) và cấp Số định danh cá nhân cho trẻ ĐKKS tại 4 thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sau hơn 3 tháng triển khai thử nghiệm, Phân hệ ĐKKS và cấp Số định danh cá nhân đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ, khẳng định hướng đi đúng đắn, kịp thời của công tác thí điểm.
Cụ thể là, tính đến hết ngày 27/4/2016, trên toàn Phân hệ đã ghi nhận có 88.982 hồ sơ ĐKKS được đăng ký thành công, trong đó có 84.674 trường hợp thuộc diện ĐKKS lần đầu, được cấp số định danh cá nhân. Bộ Tư pháp cũng đã cấp tài khoản cho 1.594 người là công chức làm công tác hộ tịch của 1.276 đơn vị Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn 4 thành phố và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An tham gia sử dụng Phân hệ.
Đảm bảo thí điểm thành công
Tuy nhiên, do lần đầu sử dụng Phân hệ, cán bộ hộ tịch các đơn vị còn bỡ ngỡ, nhất là việc tiếp nhận Số định danh cá nhân, dẫn đến có nhiều trường hợp người dùng nhập sai, nhập nhầm thông tin và phải thực hiện cải chính, chỉnh sửa thông tin trên Phân hệ. Từ đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất mong Bộ Tư pháp quan tâm tháo gỡ. Đại diện Sở Tư pháp TP.Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp thực hiện phân quyền, cấp tài khoản cho Sở Tư pháp tham gia vào hệ thống ĐKKS và cấp Số định danh cá nhân nhằm nắm bắt thông tin, kịp thời giám sát, chỉ đạo việc thực hiện ĐKKS của cơ sở. Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị điều chỉnh phần mềm ĐKKS cho phép khi cán bộ hộ tịch nhập dữ liệu khai sinh vào Cơ sở dữ liệu có một khoảng thời gian để điều chỉnh thông tin nếu phát hiện sai sót trong lúc nhập thông tin mà không cần phải làm thủ tục cải chính hộ tịch…
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu tiếp tục tập huấn cho đội ngũ cán bộ hộ tịch |
Chia sẻ những vướng mắc trong quá trình thí điểm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Trần Văn Vệ đề nghị Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, UBND địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Số định danh cá nhân mà người dân trực tiếp thụ hưởng các lợi ích. Ông Vệ hứa sẽ chỉ đạo C72 kết hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Tư pháp, đảm bảo tính chính xác của dữ liệu hộ tịch khi đây là dữ liệu đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ghi nhận những kết quả tích cực đạt được qua hơn 3 tháng thí điểm, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc biểu dương nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn của các đơn vị thuộc hai Bộ Tư pháp – Công an và 5 địa phương thí điểm. Bên cạnh đó, Thứ trưởng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc, trong đó lưu ý là việc có cán bộ sợ sai nên không dám sử dụng tài khoản được cấp.
Để đảm bảo thí điểm thành công, tiến tới triển khai chính thức, Thứ trưởng yêu cầu xác định địa phương đủ điều kiện nhân rộng triển khai Phân hệ; tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch… Cảm ơn sự hợp tác thời gian qua của Bộ Công an, Thứ trưởng cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xây dựng, triển khai Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên diện rộng trong thời gian tới đây.