Đầu tư của kiều bào tại 42/63 tỉnh, thành của cả nước, tập trung chủ yếu vào các ngành chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính tương đối, bởi đây là thống kê theo hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, còn việc đầu tư gián tiếp thông qua kiều hối, qua người thân ở Việt Nam và qua các hình thức đầu tư trong nước khác là rất lớn. “Trung bình, kiều hối về Việt Nam mỗi năm khoảng trên 10 tỉ USD, năm 2021 là khoảng 12,5 tỉ USD. Đó là nguồn rất lớn để phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - khẳng định, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang được các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đánh giá tích cực; các địa phương của Việt Nam cũng còn nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư chưa được khai phá. Do đó, ông Phạm Quang Hiệu mong bà con ta ở nước ngoài sẽ luôn dõi theo từng bước phát triển của Tổ quốc, cân nhắc những cơ hội đầu tư, đặc biệt về đầu tư xanh và bền vững, phát triển công nghiệp, công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới; tiếp tục phát huy tri thức, huy động nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển của đất nước; đồng thời, giới thiệu, kết nối các nhà đầu tư nước ngoài với địa phương và doanh nghiệp Việt Nam để cùng hợp tác phát triển, góp sức xây dựng quê hương.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người, đang sinh sống, làm việc, học tập trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 80% là tại các nước phát triển.
Tiềm năng và nguồn lực của cộng đồng là rất phong phú, có giá trị lâu dài trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, tài chính, đầu tư, thương mại. Đặc biệt, cộng đồng luôn một lòng hướng về quê hương, mong muốn được tạo điều kiện để góp sức xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.