Hơn 70 bé trai bị sùi mào gà và hậu quả của chữa bệnh truyền tai

(PLO) - Những ngày qua, dư luận không khỏi bức xúc trước vụ việc hàng vài chục bé trai ở Hưng Yên mắc bệnh sùi mào gà nghi do cắt bao quy đầu tại nhà một y sĩ không đủ thẩm quyền khám chữa bệnh. Sự việc đó khiến dư luận phẫn nộ không chỉ với hành vi của bà Hiền mà đối với cả cách chữa bệnh theo kiểu truyền miệng của các bậc phụ huynh
Bệnh nhi mắc sùi mào gà đang được điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Hậu quả của sự thiếu hiểu biết

Có bệnh thay vì tới bệnh viện (BV) để khám, điều trị thì một số người đã chữa bệnh qua tìm hiểu trên mạng internet hoặc truyền tai nhau chia sẻ kinh nghiệm, nơi chữa mà  họ không ý thức được rằng việc chữa trị như vậy sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Mặc dù các bác sĩ đã nhiều lần cảnh báo nhưng dường như cha mẹ vẫn chủ quan, lơ là, bỏ ngoài tai những lời cảnh báo đó.

Tính đến thời điểm này  Bệnh viện Da liễu trung ương  đã tiếp nhận thăm khám và điều trị cho hơn 70 bé trai mắc bệnh sùi mào gà ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, trong đó có hơn 30 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú. Có mặt tại Bệnh viện Da liễu trung ương, mới  cảm nhận được hết những nỗi đau mà các gia đình đã phải chịu đựng bởi sự trả giá do không tìm hiểu trước khi đến khám bệnh. Hầu hết phụ huynh có con điều trị bệnh sùi mào gà tại Bệnh viên Da liễu trung ương đều cho biết họ đưa con đến nong tách, cắt bao quy đầu tại phòng khám nhà bà Hoàng Thị Hiền ở Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên là nghe theo sự mách bảo của những người dân trong khu vực. 

Chị N.T.H (ở Tân Dân, Khoái Châu) cho biết, chị biết tới bà Hiền qua sự mách bảo, giới thiệu của một người hàng xóm gần nhà. “Cô hàng xóm đã kể cho tôi nghe về những cháu bé có triệu chứng giống như bệnh của con tôi, đã đến điều trị cắt bao quy đầu tại nhà bà Hiền, giờ đã khỏi. Tôi thấy họ kể bà Hiền làm ở một bệnh viện Nhi nên tôi tin tưởng chứ ai ngờ lại ra nông nỗi này. Đây là bài học đắt giá nhất đối với tôi khi chưa tìm hiểu kỹ mà đã giao tính mạng con trai mình cho họ”.

Trong khi đó, ThS.BS Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng Khoa Laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết: “Việc đưa con tới chữa bệnh tại một nơi không có biển hiệu, không có giấy phép hoạt động là việc làm hết sức nguy hiểm. Các cha mẹ không cần thiết phải lạm dụng việc nong tách, cắt bao quy đầu khi trẻ còn quá nhỏ. Hiện tượng hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ là sinh lý hết sức bình thường, khi đến một độ tuổi nhất định hẹp bao quy đầu sẽ tự hết. Việc chít hẹp bao quy đầu chỉ nên thực hiện đối với các bệnh nhân gặp bệnh lý do bị hẹp bao quy đầu. Trong trường hợp bắt buộc phải đi chít hẹp bao quy đầu cần phải tới BV, tuyệt đối không làm theo các phương pháp dân gian hoặc tới các cơ sở không uy tín”.

Y tế cơ sở cần là điểm tựa chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện toàn quốc có hơn 200 bệnh viện tư nhân và trên 30.000 phòng khám tư nhân. Bên cạnh các đóng góp tích cực, hiện nay, một số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, đặc biệt là các phòng khám tư nhân còn vi phạm các quy định về pháp luật khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng các sai phạm của những phòng khám tư nhân vẫn chưa xử lý triệt để.

Có những phòng khám tư nhân đã 4-5 lần nhắc nhở, xử lý nhưng vẫn tiếp tục tái diễn. Những phòng khám này tồn tại là do sự phối hợp chưa đồng bộ giữa thanh tra Bộ - thanh tra các địa phương và giữa thanh tra y tế - công an các địa phương.

Do đó, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Tuy nhiên, Chỉ thị ban hành còn chưa ráo mực thì những sai phạm vẫn tiếp tục xảy ra, nguyên nhân được chính những người trong ngành chỉ ra là do chế tài xử phạt còn thấp, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ nên đã tạo kẽ hở cho các cơ sở tư nhân hoạt động không phép, dễ gây tai biến cho người bệnh.

Lâu hơn nữa, trách nhiệm của y tế cơ sở đã được quy định rất rõ tại Thông tư 33/2015/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn. Theo đó, y tế cơ sở có nhiệm vụ tham gia kiểm tra các hoạt động hành nghề y, dược tư nhân và các dịch vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề y, dược tư nhân, các dịch vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân trên địa bàn xã.

Đồng thời, phát hiện, báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động y tế vi phạm pháp luật, các cơ sở, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường y tế trên địa bàn xã. Do đó, việc để một phòng khám không có giấy phép hoạt động tồn tại trong thời gian dài, điều kiện khám bệnh không đảm bảo mà chính quyền địa phương lại không hay biết, mặc người dân truyền tai nhau mà đến là điều không thể chấp nhận được.

Bên cạnh đó, lý giải nguyên nhân tại sao cha mẹ lại chủ quan, cẩu thả phó mặc sức khỏe của con cho một “cơ sở y tế” không có biển hiệu, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, một phần cũng do sự tuyên truyền của ngành y tế tại khu vực này quá thất bại, chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công của nơi này cũng chưa tạo được sự tin tưởng cho người dân, chưa làm tốt vai trò là điểm tựa chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.  Nếu làm tốt, tuyên truyền tốt, chắc chắn người dân cũng sẽ thấy hay, thấy tốt mà đến cơ sở y tế công. 

Qua sự việc nghiêm trọng này cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm của Trạm Y tế xã Dạ trạch, Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu, … khi để một cơ sở khám chữa bệnh không phép hoạt động nhiều năm như vậy. Đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh về cách chữa bệnh truyền tai mà nhiều người dân đang tin theo cùng với trách nhiệm của y tế cơ sở đối với mỗi địa phương. Muốn làm tốt, làm tròn nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân thì mỗi địa phương cần tăng cường truyền thông trực tiếp giúp người dân hiểu, có thông tin để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân.

Đọc thêm