Hơn 80 nghìn hồ sơ xác nhận người có công tồn đọng đã được giải quyết

(PLVN) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan tiếp thân mật Đoàn người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh Nam Định ngày 8/7/2024. (Nguồn ảnh: Bộ LĐ-TB&XH)

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đã hoàn thành toàn bộ chương trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, với hơn 80 nghìn hồ sơ tồn đọng. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ai làm công việc này mới hiểu hết sự gian nan, khó đến thế nào, đơn cử như trường hợp liệt sĩ hy sinh đã 90 năm, không còn hồ sơ, không ai làm chứng, không còn vật chứng nhưng những người làm chính sách đã dồn hết tâm huyết và vẫn tìm ra được căn cứ để công nhận liệt sĩ đáp ứng mong mỏi của thân nhân và người dân. Ai biết được những công việc thầm lặng đó…

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm của Bộ LĐ-TB&XH thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 1,091 triệu người có công với kinh phí ước khoảng hơn 16,104 nghìn tỷ đồng.

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), Bộ LĐ-TB&XH ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động. Theo đó, các hoạt động trọng tâm gồm: tập trung hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, dự kiến trình Chính phủ vào quý IV/2024.

Bên cạnh đó, tổ chức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dự kiến ngày 22/7 tổ chức gặp mặt thân mật đại diện Anh hùng Lực vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kì kháng chiến có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; ngày 23/7 tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024; trao Giấy chứng nhận ADN cho đại diện gia đình liệt sĩ...

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương chỉ đạo tổ chức việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi. Cùng với đó là xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể, thiết thực để gia đình có công với cách mạng có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú; hỗ trợ người có công có khó khăn về nhà ở; xóa hộ nghèo có thành viên là người có công. Địa phương cũng cần tập trung tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ) và mộ liệt sĩ. Căn cứ điều kiện cụ thể, tổ chức các hoạt động phù hợp để tri ân người có công với cách mạng và gia đình liệt sĩ...

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm 2024, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đối với lĩnh vực người có công, hình thành ngân hàng gen ADN liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân trực tiếp đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư, để phục vụ lưu trữ, tìm kiếm lâu dài. “Để thân nhân liệt sĩ được giám định gen và giám định gen tất cả mộ liệt sĩ còn hài cốt, điều này bớt đi day dứt của thân nhân liệt sĩ chưa tìm được người thân, hướng tới hình thành ngân hàng ADN, trên tinh thần “làm một lần để cho các thế hệ sau”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đọc thêm