Hơn cả ngôi vô địch, huy chương vàng của Sunisa Lee truyền cảm hứng cho cộng đồng người Hmong ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sự dũng cảm đối mặt với khó khăn của vận động viên thể dục dụng cụ Sunisa Lee và thành công của cô tại Thế vận hội Tokyo 2020 có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cộng đồng thiểu số người Hmong tại Mỹ.
Vận động viên Sunisa Lee đoạt Huy chương Vàng toàn năng thể dục dụng cụ nữ tại Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: Reuters
Vận động viên Sunisa Lee đoạt Huy chương Vàng toàn năng thể dục dụng cụ nữ tại Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: Reuters

Trước khi Thế vận hội Tokyo bắt đầu, các nữ vận động viên thể dục dụng cụ của Mỹ đa phần chỉ đặt mục tiêu giành huy chương bạc cho nội dung toàn năng cá nhân. Lý do rất đơn giản: Chiến thắng cao nhất "trong tầm tay" của siêu sao Simone Biles đồng đội của họ rồi.

Nhưng khi Biles rút lui khỏi cuộc thi vì lo ngại về sức khỏe tâm thần, các đồng đội của cô cảm thấy họ có cơ hội vươn tới vị trí cao nhất của nhà vô địch Olympic.

Sunisa Lee là một trong số đó. "Tôi luôn cảm thấy mình chỉ đứng thứ hai sau Biles, vì vậy khi có cơ hội, tôi phải làm những gì tôi thường làm", Lee nói. Và cuối cùng, cô gái 18 tuổi người Mỹ gốc Hmong đã kéo dài chuỗi chiến thắng của đội tuyển Mỹ trong các cuộc đua thể dục dụng cụ dành cho nữ - bắt đầu từ Thế vận hội Athens năm 2004.

Người Hmong vốn là dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á, sống nhiều ở một số khu vực của Việt Nam và Lào. Cộng đồng thiểu số người Hmong ở Mỹ đa phần là những người di cư sang Mỹ trong khoảng những năm 1990, và hiện họ chủ yếu định cư xung quanh Minneapolis, bang Minnesota. Cha mẹ của Lee chuyển tới ở đó năm 2003.

Lee là người Hmong đầu tiên lọt vào đội tuyển Olympic Mỹ. Khoảnh khắc Lee vô địch thể dục dụng cụ là một trong những niềm hân hoan đối với cộng đồng người Hmong ở nước này.

"Huy chương này chắc chắn có ý nghĩa rất lớn đối với tôi", Lee nói, "Hai năm qua vô cùng vất vả, đã có rất nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc. Nếu không có sự hỗ trợ của các huấn luyện viên, nhân viên y tế và cha mẹ, tôi đã không thể giành được Huy chương Vàng.”

Gia đình và bạn bè của Sunisa Lee ở Oakdale, Minnesota mừng vui khi chứng kiến cô giành huy chương vàng tại Thế vận hội Tokyo ngày 29/7. Ảnh: AP

Gia đình và bạn bè của Sunisa Lee ở Oakdale, Minnesota mừng vui khi chứng kiến cô giành huy chương vàng tại Thế vận hội Tokyo ngày 29/7. Ảnh: AP

Lee đã phải vượt qua một con đường khó khăn để đến Tokyo. Ngay trước giải vô địch Mỹ năm 2019, cha của cô bị ngã khi đang cắt tỉa và bị liệt nửa người. Cha cô là người luôn ủng hộ Lee tập thể dụng dụng cụ từ khi cô 6 tuổi. Vượt qua khó khăn, Lee đã về thứ hai sau Biles đoạt chức vô địch quốc gia.

Tại giải vô địch thế giới cùng năm, cô đã góp phần vào chiến thắng của đội Mỹ trong phần thi đồng đội. Sau đó, ước mơ được vào đội tuyển Olympic của cô thành hiện thực.

Thế nhưng, Thế vận hội 2020 bị hoãn lại một năm do đại dịch COVID-19. Phòng tập của cô đóng cửa 3 tháng. Khi phòng tập vừa mở lại, cô lại bị ngã gãy chân. Đúng lúc đang buồn lo thì cô mất 2 người thân do dịch COVID-19.

Chính Biles là người đã ở bên Lee trong lúc cô ấy gặp bất hạnh, động viên cô cố gắng vượt qua. Tại Thế vận hội Tokyo, Biles đã cổ vũ Lee từ khán đài.

Sunisa Lee thi đấu trên xà trong trận chung kết toàn năng cá nhân thể dục dụng cụ nữ tại Thế vận hội Tokyo, ngày 29/7. Ảnh: Reuters

Sunisa Lee thi đấu trên xà trong trận chung kết toàn năng cá nhân thể dục dụng cụ nữ tại Thế vận hội Tokyo, ngày 29/7. Ảnh: Reuters

Vào ngày diễn ra trận chung kết, cha Lee nói với cô: "Hãy làm những gì con vẫn thường làm, chỉ cần cố gắng hết sức có thể, đừng tập trung vào điểm số hay những điều gì tương tự."

Trước đó, những người Hmong thiểu số ở Minneapolis đã phải chịu sức ép không nhỏ khi một trong những cảnh sát bị buộc tội trong cái chết của người da màu George Floyd là người Hmong. Vụ việc đã gây ra nhiều tuần biểu tình và làm phát sinh phong trào Black Lives Matter.

Trước Thế vận hội Tokyo, Lee nói với tạp chí Elle rằng cô ấy muốn mọi người biết nhiều hơn về người Hmong. Mong muốn của cô chắc chắn sẽ trở thành hiện thực, và chiếc Huy chương Vàng của nhà vô địch Olympic đã giúp người Mỹ có cơ hội suy nghĩ sâu sắc hơn về các dân tộc thiểu số, bao gồm cả người Hmong, sống trong khu dân cư của họ.

Đọc thêm