Nếu như trước đây hàng giả thường là hàng nội giả hàng ngoại, hàng nội giả hàng nội, thì ngày nay xuất hiện cả hàng ngoại giả hàng ngoại, hàng ngoại giả hàng nội, sản xuất từ nước ngoài nhập lậu vào trong nước…
Hàng nhái… vẫn được chuộng
Hướng tới Tuần lễ Sở hữu trí tuệ thế giới ( 26/4), Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tổ chức buổi tọa đàm dành cho báo chí về các hoạt động xác lập quyền và thực thi quyền SHTT. Ông Tạ Quang Minh - Cục trưởng Cục SHTT - cho biết: “Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT năm 2011, 2012 diễn ra nghiêm trọng, gia tăng cả về tính chất cũng như mức độ vi phạm.
Phần lớn hàng giả là hàng tiêu dùng nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, bán với giá rẻ. Sử dụng tem nhập khẩu giả, bao bì giả có quy mô, số lượng rất khó kiểm soát”.
|
Cục Sở hữu trí tuệ trong buổi tọa đàm với báo chí |
“Đặc biệt, một số vụ hàng giả gần đây cho thấy đã có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả, nhất là hàng giả mạo xuất xứ thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước. Bởi nếu như trước đây hàng giả thường là hàng nội giả hàng ngoại, hàng nội giả hàng nội, thì ngày nay xuất hiện cả hàng ngoại giả hàng ngoại, hàng ngoại giả hàng nội, sản xuất từ nước ngoài nhập lậu vào trong nước…”, ông Minh chia sẻ.
Các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trên 6.000 vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong năm 2011, với số tiền phạt gần 19 tỷ đồng. Trên thực tế, những vụ xử lý này chỉ là con số nhỏ so với thực trạng vi phạm SHTT đang xảy ra tràn lan trên thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng Thực thi giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết, hiện nay hàng giả, hàng kém chất lượng đa dạng, phong phú nhiều chủng loại một số hàng giả, hàng nhái được sản xuất từ Trung Quốc, nhập khẩu và nhập lậu vào nước ta tiêu thụ.
Hầu hết chủng loại sản phẩm hàng hóa nào cũng có hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ các sản phẩm tiêu dùng đơn giản rẻ tiền như bao diêm, cây bút... đến thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép, đồ gia dụng cho đến hàng điện lạnh, điện tử…
Trên thực tế, hàng giả và hàng nhái phát triển khó ngăn chặn được là do đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình và thấp vẫn chấp nhận và thích dùng hàng hiệu giá rẻ. Trong khi, thủ đoạn và kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, được khép kín từ khâu sản xuất, vận chuyển đến lưu thông, phân phối rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Có những đối tượng nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới thành các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản... Có đối tượng đăng ký kinh doanh tên doanh nghiệp, sau đó đưa vào sử dụng với danh nghĩa là tên thương mại trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để lừa dối người tiêu dùng, khiến cho thị trường sản xuất trong nước hiện nay rất đa dạng và khó phân biệt thật giả.
Đánh cắp ở… nước ngoài
Theo ông Tạ Quang Minh, ngoài ra, hiện nay một số nhãn hiệu như: thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre… ở Việt Nam đang bị cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp thương hiệu. Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang nước ngoài thường không chú trọng đăng kí quyền bảo hộ sản phẩm nên sản phẩm của họ thường bị làm nhái, làm giả.
Ông Minh cho rằng, nguyên nhân có thể xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng việc đăng kí bảo hộ sản phẩm khi xuất khẩu ra nước ngoài. Chưa có chiến lược cho việc xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật…
Trước thực tế hàng giả hàng nhái tràn lan, ông Nguyễn Thanh Hồng giải thích: “Cục chỉ là đơn vị phối hợp cho ý kiến chuyên môn về SHTT, chứ không phải là đơn vị thực thi. Và một trong những giải pháp tăng cường thực thị quyền SHTT là chuyển dần việc xử lý hành chính sang dân sự và tòa án. Chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả chưa được cụ thể hóa trong một văn bản mang tính thống nhất và chưa đủ sức răn đe, hiệu quả ngăn chặn thấp”.
Đơn cử như trường hợp khiếu kiện vi phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) xảy ra cách đây vài năm giữa đơn vị Austdoor với Artdoor, đã kéo dài hơn 1 năm mới ngã ngũ.
Thậm chí, có vụ việc kéo dài từ năm 2009 đến nay vẫn chưa xong. Trong quá trình đó, những sản phẩm vi phạm quyền SHCN của đơn vị không được bảo hộ vẫn lưu hành bình thường trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Cục trưởng Tạ Quang Minh thừa nhận: “Thời gian xử lý các vụ khiếu nại quyền SHCN có thể kéo dài rất lâu, không thể nói trước được. Trong thời gian đó, DN được bảo hộ đương nhiên phải chấp nhận chịu thiệt hại...”.
Ngày SHTT thế giới 26/4 hàng năm đã cận kề, thế nhưng dường như vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm bản quyền SHCN ở Việt Nam vẫn là bài toán nan giải, mà nhược điểm chủ yếu, không phải là do thiếu cơ sở pháp lý, mà do sự thiếu đồng bộ, liên kết trong sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng có liên quan.
Bởi thế, câu chuyện hàng giả hàng nhái ngày càng nghiêm trọng- thậm chí có đơn vị vi phạm còn “hồn nhiên”- không làm nhái na ná thương hiệu có sẵn thì sao tiêu thụ được sản phẩm?!. Tình trạng này bức tử các DN làm ăn chính đáng, tạo đất sống cho các đơn vị làm nhái, làm giả.
Uyên Na